Khi nào khởi công dự án cầu Cần Thơ 2?
(Xây dựng) – Vừa qua, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu. Dự án khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Cầu Cần Thơ hiện hữu. |
Cầu Cần Thơ 2 là một cây cầu bắc qua sông Hậu thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Công trình có điểm đầu tại nút giao Chà Và (Km 130 + 337), kết nối với đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 91B (Km 145), kết nối với đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Cầu đi song song và cách cầu Cần Thơ hiện hữu (nằm trên Quốc lộ 1) 4,5km về phía hạ lưu.
Cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn có tổng chiều dài là 15km, phần cầu chính và nhịp dẫn có chiều dài 2,7km. Cầu dự kiến được thiết kế với 4 làn xe chạy, vận tốc tối đa từ 80 – 100km/h. Dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất xây dựng cầu Cần Thơ 2 vượt luồng chính sông Hậu có khổ thông thuyền rộng 300m, trong đó luồng chính rộng 160m, cao 39m; luồng hai bên cao 30m; bề rộng mặt cầu đáp ứng quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe cơ giới rộng 24,75m; dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng, sử dụng riêng cho đường bộ cao tốc.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất nghiên cứu đầu tư theo 2 phương án: Phương án 1: Đường sắt đi riêng, không đi chung với đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 19.782 tỷ đồng. Phương án 2: Đường sắt đi chung đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550m. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 27.494 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị lựa chọn phương án 1, thời gian thực hiện dự kiến từ 2026-2029, đồng bộ với tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cũng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026.
Hiện tại, cầu Cần Thơ hiện hữu là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á (chiều dài nhịp chính là 550m), được xây dựng bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km (bao gồm: phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 5,41km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km; phần đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ dài 7,69km). Quy mô mặt cắt ngang cầu có chiều rộng 23,1m (bao gồm: bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề rộng 2,75m). Độ tĩnh không thông thuyền cao là 39m (với chiều rộng tĩnh không thông thuyền ngang tương ứng là 200m) đảm bảo cho tàu có trọng tải 10.000DWT lưu thông qua lại. Dự án khởi công vào năm 2004, khánh thành năm 2010, được đưa vào sử dụng cho đến hôm nay.
Nguồn: Báo xây dựng