Khi mại dâm “tấn công” trên không gian mạng

Nhiều con số “biết nói”

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có báo cáo về tình hình mại dâm vẫn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động. Báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước ước tính có 7.504 người bán dâm, trong đó số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê là 2.116 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm. Hoạt động mại dâm tại nơi công cộng có xu hướng giảm mạnh thay bằng nhiều phương thức hoạt động kín đáo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Khi mại dâm “tấn công” trên không gian mạng
Cơ quan Công an làm việc với một đối tượng tham gia đường dây mại dâm.

Tình trạng mại dâm trá hình “núp bóng” trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là các khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort; có sự đan xen giữa tổ chức mua bán dâm và sử dụng trái phép các chất ma túy. Mại dâm biến tướng theo “hợp đồng”, đường dây “gái gọi” diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài với nhiều hình thức như: Núp dưới danh nghĩa thuê người yêu, tour du lịch trong nước để tổ chức hoạt động mua bán dâm; có sự tham gia của học sinh, sinh viên, người mẫu, diễn viên, mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm…

Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín khác nhau để móc nối, trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận địa điểm thực hiện hành vi mua bán dâm như: Biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch; theo các hoạt động: Tour du lịch, thể thao… thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm, xuất hiện nhiều đường dây bán dâm có mạng lưới liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng…

Bên cạnh đó, với mục đích đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, cài mã độc chiếm quyền điều khiển hay theo dõi điện thoại.… các đối tượng phạm tội gửi những tin nhắn gạ tình, mời chào bán dâm công khai nhắm vào sự tò mò của người dùng. Qua công tác giám sát, theo dõi phản ánh của người dùng trên hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số 5656, 156, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) – Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận nhiều phản ánh có nội dung mời chào bán dâm công khai có đính kèm link độc hại. Một số nội dung tin nhắn lừa đảo như: “Em la sinh vien dang tin them viec ban thoi gian Neu nhu anh co nhu cau tinh duc co the lien he Zalo cua em a: http://d57.cc” hoặc “Nhung co gai xinh dep , goi cam den tan nha ban de phuc vu tinh duc , o bat cu dau tai Viet Nam Lien he: http://cw2.cc”; hoặc một số link thường xuyên xuất hiện trong tin rác: http://d57.cc ; http://cw2.cc ; http://u65.cc ; http://u93.cc ; http://73k.cc… Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo khi nhận được các tin nhắn như trên, người dùng tuyệt đối không được ấn vào các đường link lạ.

Chủ động phòng ngừa

Theo cơ quan Công an, các đối tượng lợi dụng mạng Internet, ứng dụng công nghệ cao, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, tiếp thị, thỏa thuận mua bán dâm. Trong đó xuất hiện các thủ đoạn mới như thanh toán bằng tiền ảo, các hình thức trung gian thanh toán hoặc tài khoản ngân hàng không chính chủ, nạp tiền qua các đại lý game online.

Trao đổi với phóng viên, Chỉ huy phòng Cảnh sát hình sự – Công an thành phố Hà Nội cho biết, trước tính chất phức tạp về hoạt động tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc và mại dâm, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện tốt các kế hoạch về phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Lực lượng chức năng Công an Thành phố đã tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống tệ nạn cờ bạc – mại dâm, để nâng cao nhận thức của nhân dân, giúp người dân hiểu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; những hậu quả tác hại của chống tệ nạn xã hội để người dân chủ động phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm…

“Để đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả hoạt động tệ nạn xã hội (cờ bạc – mại dâm), ngoài công tác đấu tranh, phòng ngừa của lực lượng công an, rất cần sự nâng cao ý thức phát hiện, tố giác tội phạm và chống tệ nạn xã hội của người dân. Khi ý thức cảnh giác của mọi người dân được nâng lên thì tội phạm, chống tệ nạn xã hội ẩn nấp trong hang cùng, ngõ hẻm cũng sẽ bị lật tẩy”, Chỉ huy phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội thông tin.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo 138 (Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc) thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đã yêu cầu Công an các quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch, quyết liệt triển khai đấu tranh, phòng chống tội phạm; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; Tăng cường đấu tranh, triệt xóa tụ điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm tại địa bàn công cộng và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Duy trì, không để tái hoạt động trở lại các tụ điểm mại dâm đã triệt xóa.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn quốc hiện có 90.130 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (giảm 36.753 cơ sở so với cùng kỳ năm 2022) với tổng số nhân viên là 133.902 người, trong đó: 54.345 cơ sở lưu trú, 13.720 cơ sở karaoke và massage, 188 vũ trường, 21.894 các loại hình khác (cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống, cơ sở spa…); tồn tại 283 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm. Hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ này vẫn khó kiểm soát, đặc biệt trong các khách sạn lớn, các cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, vũ trường, quán bar, cơ sở dịch vụ karaoke, massage…

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích