Khi đàn ông ở quê… ế vợ!
Lấy được vợ, đẻ con lại thành mơ ước của không ít thanh niên ở các miền quê (Ảnh minh họa). |
Ở những thành phố và đô thị lớn, câu chuyện trai ế vợ chưa diễn ra. Đơn giản, vì nơi này thường tập trung những cư dân đến học tập, làm việc, sinh sống nên tỷ lệ nam- nữ là khá cân bằng. Song ở các miền quê, tỷ lệ mất cân bằng giới tính (xét cả yếu tố tự nhiên và xã hội) đang diễn ra tương đối nghiêm trọng.
Hôm nọ, ông bạn quê Gia Viễn tỉnh Ninh Bình kể, nhà anh em họ ở quê, có 3 người con trai tuổi từ 30-42, nhưng cả 3 đến nay vẫn chưa lập gia đình vì cả làng “vắng bóng” phụ nữ. Tương tự, ngồi trên chuyến tàu về quê, cụ bà quê Nghệ An cũng kể câu chuyện về cảnh ế vợ của không ít đám trai làng. Có khi trai tân cũng lên xe hoa với những phụ nữ “lỡ” hai chuyến đò…
Tại sao lại có tình trạng này? Đầu tiên phải kể đến là sự mất cân bằng giới tính. Từ những năm 2000, vừa do chính sách dân số, vừa do áp lực kinh tế nên mỗi cặp vợ chồng dù là ở miền quê cũng chỉ sinh hai con, Xu hướng mong có con trai khiến tỷ lệ nam nhiều hơn nữ. Bởi thế, khi đến tuổi kết hôn, tỷ lệ nữ ít hơn nam dẫn đến hiện tượng một số thanh niên đến tuổi lập gia đình bị ế vợ.
Mặt khác, hệ lụy của quá trình dịch chuyển lao động và phân phối lao động cũng góp phần tạo ra tình trạng ế vợ của một số thanh niên. Tại các miền quê hiện nay, nhiều phụ nữ khi đến tuổi trưởng thành đã chọn thành phố để học tập, làm việc và định cư hoặc tìm đến những khu công nghiệp tập trung để làm việc. Trong khi, có không ít thanh niên ở lại quê nhà, nhưng việc làm, thu nhập không ổn định. Vì thế cơ hội tìm vợ ngày một khó.
Nhìn vào hiện tượng này nghĩ đơn giản, song nếu xét về lâu dài là cả một hệ lụy, liên quan đến thì tương lai về lao động và chất lượng trẻ em được sinh ra và trưởng thành sau này. Nếu cứ diễn ra tình trạng mất cân bằng giới tính dẫn đến việc nhiều thanh niên bị ế vợ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường lao động, trong khi thời kỳ già hóa dân số của chúng ta chuẩn bị bắt đầu. Thanh niên ế vợ, lấy vợ muộn ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản… Vì thế, để giải bài toán mất cân bằng giới tính, không chỉ ở việc kiểm soát tỷ lệ sinh mà về mặt xã hội, các địa phương cũng phải có chiến lược, chính sách cụ thể trong phát triển kinh tế, tạo ra nhiều nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ hoặc chuyển đổi mô hình kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thu hút lao động nữ để họ không phải rời quê đi làm xa thì khi đó hy vọng thanh niên đến tuổi lập gia đình tại các vùng quê không còn phải cảnh ế vợ ngày một nhiều.
Nguồn: Báo lao động thủ đô