KHCN & ĐMST hướng tới phát triển bền vững: Sự đồng hành và khuyến nghị của UNDP
KH,CN&ĐMST hướng tới phát triển bền vững
KH,CN&ĐMST đòi hỏi một chuỗi các giải pháp có hệ thống và tính khả thi cao với mục tiêu hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, hầu hết quốc gia vẫn khó khăn trong việc nắm bắt các thành phần để thúc đẩy ĐMST, thiếu khả năng phân tích, so sánh và thương mại hóa các ý tưởng, sáng chế và sản phẩm ĐMST của chính quốc gia mình; thiếu khả năng hình dung và hiểu các cơ hội sẵn có, cũng như khả năng tạo thị trường mới và tận dụng lợi thế của những thị trường hiện có.
Quá trình ĐMST rất phức tạp và liên quan đến nhiều bên tham gia. Năng lực ĐMST không đồng đều giữa các nước tiên tiến và các quốc gia lạc hậu, kém phát triển; giữa các cộng đồng giàu có và nghèo khó trong mỗi quốc gia. Điều này đã đẩy nhanh sự phân hóa kinh tế, tập trung quyền lực kinh tế và địa chính trị vào tay một số ít, gây ra sự bất ổn chính trị và xã hội.
Để giải quyết những bất bình đẳng và rủi ro toàn cầu này, việc xây dựng các hướng dẫn và lộ trình hướng tới củng cố hệ sinh thái ĐMST quốc gia là chưa đủ. Thách thức là xây dựng được một hệ thống ĐMST toàn cầu, chặt chẽ, toàn diện, sâu rộng, dễ tái tạo, có thể mở rộng, độc lập, hợp tác, liên kết với nhau, thúc đẩy SDGs và được điều chỉnh bởi mục tiêu toàn cầu.
Nhìn chung, hệ thống KH,CN&ĐMST yêu cầu thúc đẩy mạng lưới ĐMST quốc gia và khu vực, trong đó cần khuyến khích khoa học mở, trí tuệ tập thể và chia sẻ dữ liệu công khai, đồng thời đảm bảo thông tin không được sử dụng để khai thác hành vi của mọi người. Phần mềm và phần cứng nguồn mở miễn phí có thể cho phép các nhà ĐMST và người tiêu dùng nghiên cứu, sửa đổi, phân phối, sản xuất và bán các sản phẩm của chính họ. Nó có thể giúp họ dễ dàng tạo ra hàng hóa và dịch vụ của riêng mình với chi phí thấp hơn so với sản xuất hàng loạt.
Lễ Kỷ niệm 45 năm hợp tác Việt Nam – UNDP diễn ra ngày 2/6/2023 tại Hà Nội. (nguồn: www.undp.org).
UNDP hỗ trợ thúc đẩy KH,CN&ĐMST tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, tốc độ đầu tư đang có xu hướng chậm lại. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu SDGs với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030*, trong đó KH,CN&ĐMST được coi là một trong những động lực phát triển kinh tế – xã hội và là một trong những yếu tố bổ trợ để đạt được SDGs.
UNDP tại Việt Nam cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc khơi thông vốn tư nhân đầu tư vào KH,CN&ĐMST với việc xây dựng Nền tảng bản đồ cơ hội đầu tư hướng đến các mục tiêu SDGs tại Việt Nam, giúp định hướng cho khu vực tư nhân về các lĩnh vực đang cần đầu tư trong nước, đồng thời khuyến khích áp dụng đổi mới KH&CN và nỗ lực để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư với việc sử dụng phương pháp luận chặt chẽ của SDG Impact.
Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc về KH,CN&ĐMST. Theo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, xếp thứ hạng 44/132 nền kinh tế và đứng thứ 4 trong khối các nước ASEAN.
Việt Nam kỳ vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao với nền tảng công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Kể từ khi công cuộc ĐMST được thực hiện vào năm 1986, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững ở mức trung bình 7%. Ấn tượng hơn tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có tỷ lệ nghèo cùng cực giảm và mức độ bất bình đẳng kinh tế thấp. Sự phát triển trên diện rộng của Việt Nam đã tránh được sự gia tăng bùng nổ bất bình đẳng như ở nhiều quốc gia khác.
Việc tạo ra một môi trường pháp lý để hỗ trợ và khuyến khích ĐMST là thách thức lớn ở Việt Nam cũng như không ít quốc gia trên thế giới. Điều quan trọng là đạt được sự nhất quán cao trong các chính sách và quy định giữa các cơ quan chính phủ, giữa trung ương và địa phương. Đã có nhiều cơ quan chính phủ tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách KH&CN, tuy nhiên, các quy định đôi khi còn chồng chéo, thiếu thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. Điều này sẽ tạo ra một mê cung pháp lý có thể kìm hãm sự ĐMST và tăng chi phí khi đưa những ý tưởng mới ra thị trường.
Thời gian vừa qua, UNDP đã triển khai các thử nghiệm để có thể xác định khoảng cách và sự không nhất quán trong các chính sách ở Đà Nẵng với lộ trình kinh tế tuần hoàn, ở Huế về cải thiện khả năng tiếp cận của người dân đối với quản trị điện tử và một thử nghiệm khác về giao thông xanh.
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là động lực chính của phát triển bền vững. Việc đảm bảo các khoản đầu tư tài chính dù là nhà nước hay tư nhân đều mang tính chiến lược và chặt chẽ giúp tránh tình trạng kém hiệu quả và manh mún. Tuy nhiên, ĐMST không nên chỉ giới hạn ở các khu công nghệ cao, các doanh nghiệp lớn hoặc các tập đoàn quốc tế. Sự hợp tác giữa các nhà khoa học và các nhà ĐMST cấp cơ sở cũng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu dựa trên nhu cầu thay vì nghiên cứu trên giấy tờ.
Trường hợp của Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng là một ví dụ. Đây là doanh nghiệp đã được UNDP hỗ trợ trong việc áp dụng mô hình kinh doanh của nền kinh tế tuần hoàn bằng cách chuyển đổi chất thải hữu cơ thành các sản phẩm tẩy rửa gia dụng. Xuất phát từ một dự án và phát triển thành một doanh nghiệp với mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, hiện nay, công ty đã có thể xử lý khoảng 109 tấn rác thải để sản xuất 50.000 lít sản phẩm tẩy rửa mỗi tháng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 400 công nhân viên.
Với sự hỗ trợ của UNDP và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong nước, Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng là một điển hình thành công trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chính sách của Chính phủ về phát triển các trung tâm khởi nghiệp và ĐMST quốc gia và khu vực nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục khoa học và mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp công và tư. Một hệ thống ĐMST mở như vậy yêu cầu một nền văn hóa ĐMST tạo điều kiện, trong đó việc chấp nhận rủi ro và thất bại được khuyến khích, đặc biệt là trong khu vực công.
Có một nhận thức phổ biến rằng, ĐMST và áp dụng các thông lệ mới trong khu vực công tụt hậu so với khu vực tư nhân, do thiếu các khuyến khích và cơ chế hỗ trợ thử nghiệm chính sách. ĐMST có nghĩa là khám phá nền tảng mới, thử nghiệm và giải quyết các vấn đề cũ theo những cách mới. Đây là những rủi ro về bản chất và khu vực công cần tạo ra một môi trường hỗ trợ để khuyến khích các hành vi ĐMST cho công chức cũng như doanh nghiệp. Về vấn đề này, UNDP đã tích cực làm việc với những đơn vị như Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC), để tư vấn chiến lược, thiết kế khung giám sát, đánh giá và xây dựng năng lực cho ĐMST khu vực công.
Một số khuyến nghị với Việt Nam
UNDP đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy hệ thống KH,CN&ĐMST của đất nước và hy vọng rằng quá trình chuyển đổi này sẽ góp phần hướng tới một tương lai xanh, bền vững và thịnh vượng. Theo UNDP, trong giai đoạn tới, đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng quan trọng, việc hoàn thiện và phát triển thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. UNDP đã đưa ra các khuyến nghị với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, cần phát triển khu vực doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước, nhằm cải thiện tổng thể môi trường đầu tư kinh doanh về tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận tài chính và các yêu cầu thủ tục hành chính. Việt Nam có thể thực hiện một chương trình thí điểm hợp tác công tư, được xây dựng phù hợp cho mục đích nghiên cứu – phát triển và ĐMST.
Thứ hai, tập trung và khai thác nguồn lực khác nhau, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu đầu tư vào KH&CN, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam cần ban hành các chính sách ưu đãi và không ưu đãi về thuế để thu hút vốn đầu tư, cả trong và ngoài nước vào các lĩnh vực ưu tiên này.
Để thực hiện được các khuyến nghị nêu trên của UNDP, việc phát triển thị trường KH&CN là rất cần thiết. Trong vấn đề này, các tác giả có một số đề xuất sau:
Một là, cần tập trung phát triển các tổ chức trung gian. Những tổ chức này sẽ đóng vai trò làm đầu mối trong mạng lưới cung cấp các dịch vụ công, các viện nghiên cứu, trường đại học (đặc biệt là các đại học quốc gia, đại học vùng), doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN lớn trên cả nước.
Hai là, cần chú trọng phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, từ đó giúp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng, đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động.
Ba là, hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển. Việc hỗ trợ nhập khẩu và giải mã công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch là việc làm cần thiết để làm chủ và từ đó đổi mới công nghệ. Cần ưu tiên hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ phục vụ yêu cầu phát triển tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (vùng nông thôn, miền núi, hải đảo).
Bốn là, đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin để nắm bắt được các kỹ thuật mới nhằm vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các chính sách phục vụ cho các hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán hàng hóa KH&CN là vô cùng quan trọng. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc thâm nhập thị trường, mở rộng thị phần cho các sản phẩm, dịch vụ KH&CN.
Năm là, đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, cần nghiên cứu để xây dựng những báo cáo phân tích thị trường, những công cụ phân tích, xử lý dữ liệu chung. Đây sẽ là công cụ đắc lực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các bên liên quan của thị trường KH&CN.
Sáu là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng quốc gia cho thị trường KH&CN, đặc biệt là việc hình thành 3 sàn giao dịch công nghệ quốc gia; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ của các địa phương và các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và thế giới. Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài các giải pháp trên, chúng ta còn cần quan tâm đến thị trường KH&CN cho các kết quả nghiên cứu cơ bản, Nhà nước cần có những chính sách riêng để khuyến khích và đẩy mạnh giao dịch trên thị trường KH&CN. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của hệ thống KH,CN&ĐMST quốc gia, là nền tảng để Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu đặt ra.
*Theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
ThS Trịnh Quỳnh Trang, TS Lý Hoàng Tùng – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.https://vietnamnews.vn/economy/1142079/vn-to-speed-up-science-and-tech-development-in-2021-30.html, accessed 12 July 2023.
2.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/english/focus/detail//asset_publisher/FMhwM2oQCZEZ/content/the-13th-national-party-congress-resolution, truy cập ngày 12/7/2023.
3.https://nic.gov.vn/tin-tuc/dan-buoc-xay-khung-chi-so-do-luong-doi-moi-sang-tao-cho-khu-vuc-cong-viet-nam/, truy cập ngày 12/7/2023.
4.https://data.opendevelopmentmekong.net/dataset/fd853b31-f750-4862-908c-1bcc65a44609/resource/b7d52f76-c865-4e60-806a-bc8ba3557864/download/18-00566_data61_report_vietnamsfuturedigitaleconomy2040-v2_vietnamese_we….pdf.