Khát vọng làm giàu của chàng trai xứ Mường

Chú thích ảnh
Anh Bùi Văn Tường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và nhân giống cây trồng cho thành viên của Hợp tác xã Sản xuất và kinh danh nông nghiệp 0789. 

Từ hiệu quả của mô hình “Vườn ươm giống cây trồng” với các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, anh Tường đã tham gia vào mô hình hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại địa phương để học hỏi kinh nghiệm và từng bước phát triển kinh tế bền vững theo hướng nông nghiệp sạch.

Hành trang khởi nghiệp của anh Tường là kho kiến thức và vốn kinh nghiệm thực hành đã được học tại trường đại học. Số vốn ít ỏi ban đầu được bố mẹ hỗ trợ là động lực để anh bắt đầu xây dựng mô hình từ những cây giống đầu tiên phù hợp với điều kiện thiên nhiên của địa phương.

Thời gian đầu, mô hình vườn ươm gặp nhiều khó khăn do sâu bệnh, thời tiết, thổ nhưỡng không thích ứng… Tuy nhiên bằng sự quyết tâm, ham học hỏi, không ngừng nỗ lực vươn lên cùng sự khích lệ quan tâm của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của gia đình, mô hình vườn ươm của anh Tường dần đi vào ổn định.

Từ năm 2014 đến 2017, anh Tường đã tiến hành chiết ghép, nhân giống các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả quý như: Cây dổi ghép, mít, bưởi đỏ, bưởi da xanh… Trong đó, anh tập trung chủ yếu là cây dổi ghép lấy hạt cho năng suất cao, xuất bán tại các huyện trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… Năm 2018, với những kết quả đạt được từ mô hình “Vườn ươm giống cây trồng”, anh Tường tham gia Hợp tác xã Tân Lạc Sơn và giữ chức Phó Giám đốc Hợp tác xã.

Trong quá trình xây dựng vườn ươm, anh Tường nhận thấy, nhiều sản phẩm của nông dân tại địa phương chưa có nguồn tiêu thụ ổn định, giá thành thấp, bấp bênh… Anh đã mạnh dạn tập hợp các thành viên thành lập Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 với mong muốn là đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định, tạo công ăn việc làm cho thanh niên và người dân xã Thanh Hối.

Anh Bùi Văn Tường chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn cây giống, chủ yếu là cây bản địa như: Trám đen, trám trắng, dổi… Giá bán đối với cây thực sinh khoảng 5.000 – 6.000 đồng/cây; đối với cây ghép từ 30.000 – 40.000 đồng/cây.

Toàn bộ cây giống đều có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nên được người dân tin tưởng. Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 là cơ sở tiên phong và lớn nhất của huyện Tân Lạc cung cấp cây giống cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên”.

Chú thích ảnh
Anh Bùi Văn Tường kiểm tra việc ươm và chiết ghép các loại cây để nhân giống tại các vườn ươm của Hợp tác xã.

Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 được thành lập chuyên cung cấp các loại cây giống lâm nghiệp, cây dược liệu, dịch vụ nông nghiệp và thu mua sản phẩm… Với tổng diện tích canh tác khoảng 9 ha, Hợp tác xã xuất bán 2 triệu cây/năm gồm các loại cây lâm nghiệp như: dổi, trám đen, trám trắng, mít, keo, đào… cùng các loại cây ăn quả khác. Ngoài ra từ năm 2021, Hợp tác xã sản xuất các loại thương phẩm mang đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền như: Muối hạt dổi, tinh dầu tràm, quả trám ngâm, hạt dổi…

Với tổng doanh thu hàng năm trên 2 tỷ đồng, Hợp tác xã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.Chị Bùi Thị Thương (xóm Quê Bái, xã Đông Lai) chia sẻ, năm 2020, chị bắt đầu làm công nhân chăm sóc cây giống tại Hợp tác xã. Chị yên tâm vì được làm việc gần nhà và có thu nhập dần ổn định. Ngoài ra, chị và những công nhân làm lâu năm đã được Hợp tác xã đóng bảo hiểm xã hội.

Nhờ đó, mọi người gắn bó hơn với công việc.Năm 2022. Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 phát triển thêm một cửa hàng dịch vụ nông nghiệp chuyên cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp tại xã Đông Lai (huyện Tân Lạc); đồng thời, trồng thêm cây dược liệu theo chuỗi liên kết với quy mô 5 ha tại xã Ngổ Luông. Hiện, Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 công nhân với mức lương từ 3 -5 triệu đồng/người/tháng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc Bùi Đức Hiển cho biết, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 dưới sự quản lý của Giám đốc Bùi Văn Tường đã từng bước khẳng định được vai trò là đơn vị đi đầu trong cung cấp cây giống, cây ăn quả, cây lâm nghiệp của huyện, tạo việc làm, kinh tế ổn định cho lao động tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương Tân Lạc giàu đẹp.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tường còn là đoàn viên năng nổ, nhiệt tình, luôn hết mình tham gia hoạt động Đoàn, các chương trình hoạt động vì cộng đồng, vì an sinh xã hội. Anh luôn tận tình giúp đỡ đoàn viên, thanh niên trong tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, anh còn nhận đăng cai tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây do Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Hòa Bình tổ chức. Cùng với đó, Hợp tác xã đã xây dựng mô hình “Vườn ươm thanh niên” đạt tiêu chuẩn là một trong ba vườn ươm tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình.

Chủ tịch UBND xã Thanh Hối Hà Duy Thăng cho biết, từ năm 2021 đến nay, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 đã hỗ trợ 5.000 cây xanh các loại như: keo, cau, đào phai, sấu, dổi cho Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để xây dựng các mô hình: Hàng cây thanh niên làm theo lời Bác, Vườn cây thanh niên, Đoạn đường Phụ nữ nở hoa, Đoạn đường Hội nông dân xanh – sạch – đẹp và trồng tại các trụ sở cơ quan…

Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, năm 2023, anh Bùi Văn Tường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; đồng thời là một trong 43 gương mặt “Nhà nông trẻ” xuất sắc, có thành tích nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp, sản xuất được trao tặng Giải thưởng Lương Đình Của lần thứ 18, năm 2023 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích