Khánh thành nhà máy nước sạch công suất 15.000 m3 tại Sa Pa
Khánh thành nhà máy nước sạch công suất 15.000 m3 tại Sa Pa
Theo dõi MTĐT trên
Ngày 18/11, tại tổ 3, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã diễn ra lễ khánh thành dự án hệ thống cấp nước sạch Sa Pa do công ty Cổ phần BOO Nước sạch Sa Pa làm chủ đầu tư, công ty Cổ phần Đầu tư Ngành nước DNP Water là đối tác phát triển.
Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa có công suất lên tới 15.000 m3/ ngày đêm, gấp hơn 2 lần công suất hiện nay của nhà máy nước sạch Sa Pa. Đây được đánh giá là một công trình khó thi công và phức tạp bậc nhất về mặt chuyên môn từ trước tới nay của ngành nước Việt Nam. Hành trình “đưa nước lên trời” sau 2 năm đầy khó nhọc đã thành công, giúp giải tỏa “cơn khát” cho vùng du lịch trọng điểm Sa Pa.
Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa cũng là một trong những công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư đầu tiên của tỉnh Lào Cai, được xây dựng tại địa phận phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, nằm trong quy hoạch chung đô thị du lịch Sa Pa. Nhà máy có tổng diện tích quy hoạch là 2,82 ha với công suất thiết kế 15.000 m3/ngày đêm. Công suất sẽ được mở rộng lên tới 20.000 m3 với thời gian khai thác 50 năm. Hệ thống đảm bảo cấp nước thường xuyên, liên tục 24/24 cho người dân thị xã Sa Pa, bao gồm 02 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: 7.500 m3/ngày đêm.
- Giai đoạn 2: Nâng công suất lên 15.000 m3/ngày đêm
Dự án nước sạch của công ty BOO Sa Pa khai thác nguồn hợp lưu từ 2 dòng suối lớn là suối Mường Hoa và suối Vàng chảy từ đỉnh Phansipang. Điểm lấy nước cách điểm hợp lưu 70m về phía hạ lưu, nằm trong khu du lịch Cát Cát. Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là nguồn nước tự nhiên, có lưu lượng rất dồi dào và chất lượng ổn định, đủ khả năng cung cấp nước lâu dài, góp phần vào mục tiêu bảo vệ nguồn nước ngầm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lào Cai.
Dự án đầu tư xây mới khoảng 4.205,6m ống cấp nước thô bằng ống HDPE và ống thép với đường kính từ D400mm đến D560mm, chạy dọc theo các tuyến đường giao thông bám theo địa hình, kết hợp với các trạm tăng áp để vận chuyển nước thô từ công trình thu ở độ cao 1.178m về với hồ chứa nước thô cao độ 1.670m tại nhà máy, độ cao chênh lệch lên tới hơn 500m.
Để đưa nước lên tới độ cao nêu trên, dự án đã phải thiết kế và thi công thêm 4 trạm tăng áp để trung chuyển, gia tăng áp lực nước. Cùng với đó, đa số đều thi công ở địa hình đồi núi, việc vận chuyển vật tư, vật liệu hay quá trình xây dựng đều chủ yếu sử dụng bằng sức người khiến quá trình triển khai càng mất nhiều thời gian và chi phí.
Thậm chí, có những điểm thi công như tại trạm tăng áp 3, vách núi đá cheo leo vô cùng hiểm trở với độ dốc cao từ 45 – 70 độ, việc lắp đặt 270m tuyến ống bám núi đã phải thực hiện hoàn toàn thủ công bằng sức người với khối lượng vận chuyển lên đến hàng nghìn tấn và thời gian thi công lên tới 90 ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Sa Pa.
Công trình thu của dự án cũng được coi là một trong những hạng mục khó khăn và vất vả nhất do xây dựng ở vị trí hiểm hóc, trên lòng suối hẹp. Các chuyên gia đã phải đau đầu, trăn trở, nhiều lần thay đổi biện pháp thi công đảm bảo chất lượng công trình và an toàn lao động. Để có được mặt bằng thi công, đội ngũ công nhân đã phải lội suối, khoan đá, san lấp dưới lòng suối hoàn toàn thủ công để có khoảng 300m2 mặt bằng và sau đó vận chuyển nguyên vật liệu xuống để xây dựng nhà công trình thu với diện tích khoảng 36m2. Mỗi lần xuống thi công là mỗi lần phải cheo leo trên những bậc thang tạm gá vào vách núi vô cùng gian nan, hiểm trở.
Để đảm bảo tiến độ cấp nước, nhiều đội ngũ thi công đã phải dầm mưa, dãi nắng, thậm chí làm xuyên đêm, đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập để đảm bảo tiến độ. Cùng với đó, trong quá trình giải phóng mặt bằng, các đối tượng đều là người dân tộc thiểu số với những tập tục, tập quán đặc thù, không chỉ phải áp dụng chính sách phù hợp mà còn phải mất rất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục. Thời điểm 2 năm thi công, dự án cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nguồn nhân công, nhân lực bị hạn chế, thậm chí đã có lúc phải tạm dừng thi công trong thời gian dài.
Tuy nhiên, sau tất cả nỗ lực của toàn thể CBCNV công ty Cổ phần BOO Nước sạch Sa Pa, đối tác phát triển – Công ty Cổ phần Đầu tư Ngành nước DNP Water và các đơn vị nhà thầu, đến nay, dự án đã bắt kịp tiến độ bàn giao và sẵn sàng đưa vào vận hành. Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa sẽ mang đến nguồn nước chuẩn sạch, an toàn đến cho người dân và du khách.
Chính thức khởi công từ ngày 24/09/2020, dự án nhà máy nước sạch BOO Sa Pa là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lào Cai được nhà đầu tư và các đơn vị nhà thầu hết sức quan tâm chú trọng. Về góc độ chuyên môn, dự án cũng được đánh giá là phức tạp và khó thi công bậc nhất từ trước đến nay tại Việt Nam do địa hình đồi núi hiểm trở, nền địa chất yếu cũng như các hạng mục công trình thu, trạm tăng áp nằm rải rác tại các khu vực khác nhau, khiến cho việc thi công khó khăn và mất rất nhiều thời gian.
Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt, hệ thống cấp nước sạch Sa Pa gồm 3 khu chính:
- Khu sản xuất (gồm nhà hóa chất, cụm phản ứng – lắng lọc, khu xử lý bùn, bể chứa, kho xưởng..)
- Khu hành chính (gồm nhà làm việc, nhà thí nghiệm)
- Khu lưu trú chuyên gia, cán bộ, công nhân viên nhà máy.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn đầu ra của nhà máy nước sạch BOO Sa Pa cũng rất được đầu tư, chú trọng. Dự án sử dụng công nghệ tấm lắng Lamella kết hợp lọc trọng lực với công suất lớn, đây là phương pháp xử lý hiện đại, đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Hệ thống SCADA tân tiến nhất hiện nay được áp dụng vào công tác quản lý, vận hành, đưa mức độ tự động hóa của dự án lên tương tự các nhà máy nước của các nước phát triển. Chất lượng nước sạch đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất của Bộ y tế về tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT, tương đương tiêu chuẩn đang được áp dụng tại quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như là Nhật Bản.
Đánh giá về dự án nhà máy nước sạch BOO Sa Pa, ông Trịnh Xuân Trường. – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết:“Đây là một trong những dự án cấp nước sạch trọng điểm của tỉnh Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng. Sau khi nhà máy hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại thị xã trong nhiều năm qua, giúp người dân sớm được sử dụng nguồn nước chuẩn sạch, an toàn, nâng cao chất lược cuộc sống. Cùng với đó, dự án cũng là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng địa phương, tạo tiền đề lâu dài để xây dựng tầm nhìn chiến lược, đưa Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia, trung tâm giao lưu văn hóa vùng Tây Bắc và là điểm đến mang tầm cỡ quốc tế đến năm 2040.”
Ban lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng đánh giá cao sự quyết tâm, tinh thần làm việc trách nhiệm, khẩn trương của công ty Cổ phần BOO Nước sạch Sa Pa và công ty Cổ phần Đầu tư Ngành nước DNP Water đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại cả về yếu tố tự nhiên, dịch bệnh Covid-19 để đưa nhà máy nước sạch sớm đưa vào vận hành phục vụ nhân dân. Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm phát triển, sản xuất, sớm hoàn thành các giai đoạn tiếp theo, đảm bảo cho người dân và du khách được sử dụng nguồn nước sạch, an toàn.
Đại diện chủ đầu tư, ông Ngô Thành Chung – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần BOO Nước sạch Sa Pa cũng cam kết, sau khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ đảm bảo chất lượng và lưu lược nước, hoàn thiện việc nâng cấp công suất theo đúng lộ trình, góp phần vào việc nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu đưa thị xã Sa Pa ngày càng phát triển một cách bền vững, trở thành một đô thị hiện đại của khu vực miền núi phía Bắc.
Là một địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai và cả khu vực phía Bắc, Sa Pa là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ con số khiêm tốn 720 ngàn lượt khách năm 2013, đến nay, hoạt động du lịch của Sa Pa đã đón tổng lượng khách lên tới hơn 3,6 triệu lượt chỉ sau 9 tháng đầu năm 2022 và tiến tới mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách du lịch trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025. Đây cũng là tiền đề để Sa Pa phấn đấu từ một thị trấn vùng cao trở thành trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa nghỉ dưỡng miền núi đặc sắc hàng đầu khu vực và quốc tế.
Để đạt được những mục tiêu đó thì việc phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt cấp thiết là cung cấp đầy đủ nguồn nước sạch cho người dân và du khách tại thị xã Sa Pa là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong những năm qua, thị xã Sa Pa chỉ có duy nhất một nhà máy xử lý nước với công suất thiết kế 6.000m3/ngđ, nhưng vào mùa kiệt chỉ phát được 3.000m3/ngđ với dân số hiện hữu khoảng 16 ngàn người. Nhà máy khai thác nguồn nước thô từ hồ Thác Bạc cũng có lưu lượng ngày càng giảm do tác động từ thượng nguồn. Hệ thống cấp nước đô thị hiện tại cũng đã đạt công suất tối đa và ngày càng xuống cấp. Tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng tại Sa Pa liên tục tái diễn từ năm 2019 cho đến nay.
Với tốc độ phát triển nóng về du lịch hiện nay của Sa Pa, trung bình nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tại đây đã vào khoảng 4.0000 – 6.500 m3 mỗi ngày trong khi thực tế chỉ cung cấp được ½ so với nhu cầu. Tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng liên tục tái diễn trong nhiều năm qua, đặc biệt là vào những dịp cao điểm mùa du lịch, lễ tết. Theo qui hoạch chi tiết xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, nhu cầu nước sạch thị trấn Sa Pa cần bổ sung là 3.950 m3/ngày-đêm vào năm 2025 và 10.205 m3/ngày-đêm vào năm 2030.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 03/04/2018 và quyết định bổ sung số 75/QĐ-UBND ngày 14/01/2021 phê duyệt công ty Cổ phần BOO nước sạch Sa Pa là nhà đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị xã Sa Pa có công suất 15.000 m3/ ngày đêm với tổng số vốn lên tới hơn 253 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị