Khánh thành nhà lưu niệm nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Ngày 10/12, tại thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-2022) và khánh thành nhà lưu niệm người chiến sĩ cách mạng, người nhạc sĩ tài hoa. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khóa I và khóa II.
Các đại biểu tham quan nhà lưu niệm. |
Ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất của gia đình nhạc sĩ. Nơi đây trưng bày hàng trăm hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp sáng tác cống hiến cho âm nhạc của ông.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định việc khánh thành nhà niệm nhạc sĩ Đỗ Nhuận là sự kiện văn hóa vô cùng ý nghĩa, trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 50 năm chiến thắng trong chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, 65 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Cùng với các địa chỉ văn hóa khác, công trình là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật quý báu về cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa quê hương Hải Dương. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống văn hiến cho các thế hệ con em quê hương tỉnh Đông qua cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và tình cảm mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận dành cho Hải Dương.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và đóng góp của các cá nhân, tổ chức về các hiện vật liên quan đến cuộc đời nhạc sĩ Đỗ Nhuận để nhà lưu niệm ngày càng khang trang, trở thành điểm đến văn hóa ý nghĩa của giới văn nghệ sĩ, những người yêu mến nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đồng thời là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào cho các thế hệ trẻ Hải Dương.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh ra trên mảnh đất chèo Hoạch Trạch, Thái Học, Bình Giang. Từ nhỏ, ông đã sớm đam mê âm nhạc. Năm 14 tuổi, ông đã thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn bầu… Năm 17 tuổi, ông có tác phẩm đầu tay “Trưng Vương”. Ông đã sớm tham gia cách mạng, trở thành cán bộ nòng cốt của Mặt trận Việt Minh.
Năm 1943, vì in và trải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng, ông bị bắt và giam tại nhà lao Hải Dương. Sau đó, ông bị chuyển đến nhà tù Hỏa Lò, rồi bị đầy lên Sơn La. Tại nhà tù Sơn La, ông đã gặp những nhà cách mạng đàn anh và được phân công tham gia tờ “Suối Reo”- tờ báo bí mật của nhà tù Sơn La và tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc cách mạng.
Các đại biểu tham quan nhà lưu niệm. |
Sau khi được trả tự do, ông đã tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng. Sự nghiệp sáng tác rực rỡ nhất của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là những năm kháng chiến chống Mỹ. Những tác phẩm của ông ra đời trong bom đạn chiến tranh đã khích lệ quân và dân ta bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tên tuổi nhạc sĩ Đỗ Nhuận được người yêu âm nhạc biết đến qua nhiều ca khúc nổi tiếng như: Nhớ chiến khu, Tiếng súng Nam Bộ, Tiếng hát đầu quân, Chiến thắng Điện Biên, Hành quân xa, Việt Nam Quê hương tôi… Trong đó có những bài hát bất hủ như Hành quân xa với câu hát nổi tiếng “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”.
Năm 1955, chùm ca khúc liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ của ông đã được nhận giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam. Có thể nói, qua cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người chiến sĩ kiên cường, người chiến sĩ kiên trung trên mặt trận văn hóa – văn nghệ.
Với công lao to lớn đóng góp cho cách mạng, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ Hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1 năm 1996)…
Nguồn: Báo xây dựng