Khánh Hoà: Yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và xử lý tình trạng phân lô, bán nền sau phản ánh của Báo điện tử Xây dựng
(Xây dựng) – UBND tỉnh Khánh Hoà vừa ban hành Kết luận kiểm tra về việc xác minh phản ánh của báo chí về tình trạng phân lô, bàn nền tại huyện Cam Lâm. Theo đó, kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm của các cơ quan chuyên môn và UBND huyện Cam Lâm trong việc để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền. Đồng thời, yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn tỉnh.
Một “dự án” phân lô, bán nền xây dựng hạ tầng không đúng với quy hoạch giao thông. |
Phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng
Trước đó, ngày 30/6/2021, Báo điện tử Xây dựng đã đăng tải bài viết “Cam Lâm – Thủ phủ phân lô bán nền ở Khánh Hoà” phản ánh tình trang phân lô, tách thửa trên địa bàn huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
Nhằm xác minh những phản ánh của báo chí để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những sai phạm và tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại địa phương. UBND tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh) để tiến hành công tác kiểm tra, quá trình thi hành, chấp hành pháp luật tại các khu vực phân lô, bán nền như thông tin phản ánh của Báo điện tử Xây dựng.
Qua công tác kiểm tra, đối với việc chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở Đoàn kiểm tra nhận thấy, các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất do Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND huyện Cam Lâm cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại các khu đất mà Báo điện tử Xây dựng phản ánh chưa đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định. Trong đó, thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều này dẫn đến một số khu vực chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tại đô thị, nông thôn có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không thống nhất. Do đó, việc UBND huyện Cam Lâm cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tại một số khu vực là chưa phù hợp với quy định tại Điều 143, Điều 144 Luật Đất đai.
Đáng chú ý, có một số thửa đất được UBND huyện Cam Lâm cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, tại thời điểm đó quy hoạch sử dụng đất vẫn là đất nuôi trồng thuỷ sản?!
Khu đất “điển hình” trong việc chuyển mục đích từ đất nuôi trồng thuỷ sản sang đất ở. |
Đối với việc hiến đất làm đường giao thông, theo quy định Luật Đất đai hiện hành không có khái niệm về “hiến đất”. Việc người sử dụng đất có đơn “hiến tặng” đất cho Nhà nước sau đó đầu tư về hạ tầng giao thông, thoát nước, dựng trụ điện trên đất đã “hiến tặng” là chưa phù hợp. Qua đó, Đoàn kiểm tra đã chỉ ra rằng, mục đích “hiến đất” tại các khu vực mà Báo điện tử Xây dựng phản ánh là nhằm phục vụ cho nhu cầu lợi ích cá nhân để thực hiện phân lô, bán nền; không phải là việc tặng quyền sử dụng đất cho Nhà nước để thực hiện các công trình công cộng vì mục đích chung.
Bên cạnh đó, việc đầu tư đường giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác (trụ điện, thoát nước) tại các khu vực chuyển mục đích, tách thửa là không phù hợp với quy hoạch giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc hình thành các đường giao thông không theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt đã dẫn đến hệ luỵ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; tiềm ẩn nguy cơ hình thành các khu dân cư tự phát, không đúng quy hoạch, không đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Ngoài ra, việc làm này cũng không phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư.
Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương
Có thể thấy rằng, các khu đất mà báo chí phản ánh được UBND huyện Cam Lâm cho phép chuyển mục đích với số lượng lớn, đồng thời với phương án “hiến đất” làm đường giao thông và tách thửa được UBND huyện Cam Lâm phê duyệt. Từ đó, người sử dụng đất đã thực hiện việc tách thửa số lượng lớn, sau đó thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các đối tượng khác.
Như vậy, bản chất của việc chuyển mục đích, tách thửa tại các trường hợp mà UBND huyện Cam Lâm cho phép, không phải để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất vào mục đích để ở, mà chính là hoạt động kinh doanh bất động sản thường xuyên, với quy mô, số lượng thửa đất lớn.
Cũng theo quy định tại Điều 10 của Luật Kinh doanh bất động sản thì cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp. Việc UBND huyện Cam Lâm chấp thuận phương án tách thửa số lượng lớn nhưng không xem xét đến quy định về kinh doanh bất động sản, không yêu cầu người sử dụng đất thực hiện việc lập doanh nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các thửa đất được tách là không phù hợp với quy định của pháp luật về bất động sản.
Điều đáng nói ở đây, từ năm 2019, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng. Trong đó nhấn mạnh kiểm soát chặt chẽ việc tách thửa đất, làm rõ mục đích tách thửa, hạn chế việc tách thửa… xử lý nghiêm việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền huyện Cam Lâm vẫn “phớt lờ” những chỉ đạo này của cấp trên, ngang nhiên cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở với số lượng lớn, chấp thuận phương án “hiến đất” để làm đường và tách thửa với số lượng lớn. Liệu rằng có hay không lợi ích nhóm trong việc làm này của chính quyền huyện Cam Lâm?
Kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm
Từ những sai phạm trên đã dẫn đến tình trạng “loạn” phân lô, bán nền tại huyện Cam Lâm như báo chí phản ánh và trái với với quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Cam Lâm huỷ các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông; đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực đã xây dựng hạ tầng.
Bên cạnh đó, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của lamhx đạo UBND huyện Cam Lâm qua các thời kỳ phụ trách; kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thuộc các phòng, ban và lãnh đạo UBND các xã có liên quan đến sai phạm.
Có hay không sự “tiếp tay” của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản?
Một lần nữa có thể khẳng định rằng, bản chất của việc chuyển mục đích, tách thửa tại huyện Cam Lâm cho phép, không phải để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất vào mục đích để ở, mà chính là hoạt động kinh doanh bất động sản thường xuyên, với quy mô, số lượng thửa đất lớn.
Mặt khác, việc một cá nhân đứng ra chuyển nhượng và phân phối số lượng lớn các thửa đất là điều không thể. Để làm được điều này, vai trò “tiếp tay” của các đơn vị kinh doanh bất động sản là rất lớn, vì sau khi được phân lô, tách thửa các Công ty kinh doanh bất động sản như: New City, Cường Thịnh Land, Hưng Vượng Land, Cam Lâm Land…. đã tích cực thực hiện quảng cáo, truyền thông bằng nhiều kênh khác nhau, đặt tên cho các khu đất phân lô, bán nền bằng nhiều cái tên “hoa mĩ”, “hoành tráng” nhằm thu hút khách nhận chuyển nhượng đất.
Đơn vị kinh doanh bất động sản theo kiểu “đa cấp”, nằm trong diện bị kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản. |
Trước đó, vào năm 2019, vụ việc địa ốc Alibaba lừa đảo, bán dự án ma, gây chấn động dư luận cả nước là một bài học nhãn tiền với quá nhiều hệ lụy đã xảy ra. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó. Với những diễn biến vừa qua, các khu đất tách thửa, phân lô bán nền tại Cam Lâm có thể thấy nhiều điểm tương đồng với vụ việc của địa ốc Alibaba.
Để chấn chỉnh, xử lý tình trạng này, UBND tỉnh Khánh Hoà đang chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản đối với các đơn vị kinh doanh bất động sản (NewCity, Cường Thịnh Land, Hưng Vượng Land…).
Bài tiếp theo: Khánh Hoà: Loạn doanh nghiệp “tự xưng” là sàn giao dịch bất động sản không đúng quy định pháp luật
Nguồn: Báo xây dựng