Khánh Hòa xử phạt 2 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Trước đó, trong 2 ngày 08 và 14 tháng 8 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hóa đã tiến hành kiểm tra đột xuất 02 Hộ kinh doanh V.T.T.H và N.T.K.L.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 02 hộ kinh doanh V.T.T.H, địa chỉ tại xã Vạn Thắng huyện Vạn Ninh và hộ kinh doanh N.T.K.L, địa chỉ xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa có hành vi vi phạm hành chính: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tang vật thu được gồm có 151 sản phẩm mỹ phẩm các loại giá trị hơn 12 triệu đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường Khánh Hòa, kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Ảnh: Cục QLTT Khánh Hòa

Với hành vi vi phạm trên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban quyết định xử phạt 02 hộ kinh doanh trên tổng số tiền 15 triệu đồng và buộc tiêu hủy 151 sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Xuân tại thôn Trung Dõng 1, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, phát hiện 43 sản phẩm phụ tùng ô tô các loại, không có hóa đơn, chứng từ, không có nhãn hàng hóa theo quy định, không có tài liệu, hướng dẫn kèm theo hàng hóa với tổng giá trị gần 12 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Xuân với số tiền 6 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm là phụ tùng ô tô các loại theo quy định.

Theo Điều 4 Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ quy định, điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường. Cụ thể: 

– Người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng hàng hóa theo quy định tại Điều 28 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường, đồng thời có trách nhiệm:

+ Áp dụng hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa do mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

+ Công bố tiêu chuẩn áp dụng quy định tại Điều 23 Nghị định 132/2008/NĐ-CP và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

+ Trường hợp sử dụng mã số, mã vạch trên hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa, phải tuân thủ theo quy định tại Điều 19b Nghị định 74/2018/NĐ-CP.

– Đối với hàng hóa nhóm 2 (Hàng hóa có khả năng gây mất an toàn), người sản xuất phải công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Việc công bố hợp quy được quy định chi Tiết tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo một trong các biện pháp sau:

+ Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

+ Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật;

+ Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp hàng hóa sản xuất đang được áp dụng biện pháp quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP, nếu phát hiện chất lượng không bảo đảm, gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường hoặc khi có khiếu nại, tố cáo về hoạt động sản xuất thì khi đó hàng hóa sản xuất sẽ chuyển sang áp dụng biện pháp ở mức độ chặt hơn.

– Đối với hàng hóa nhóm 2 có yêu cầu đặc thù về quá trình sản xuất thì bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của quá trình sản xuất hoặc quy định cụ thể yêu cầu về quá trình sản xuất trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa đó.

– Người sản xuất có trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến quá trình sản xuất và được chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích