Khánh Hòa phấn đấu là đô thị thông minh, ngang tầm khu vực châu Á
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Trở thành “thành phố đáng sống”
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hoà và hạnh phúc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng GRDP đạt mức 7,1%/năm; tăng trưởng năng suất lao động đạt mức 6,1%/năm. Phấn đấu thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán ngân sách Trung ương giao. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 354 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1 – 5%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 104 triệu đồng/người. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 65%.
Giai đoạn 2026 – 2030, tăng trưởng đạt mức 8,8%/năm; tăng trưởng năng suất lao động đạt 7,8%/năm. Phấn đấu thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán ngân sách Trung ương giao, từng bước tăng dần tỷ lệ tiều tiết về ngân sách Trung ương. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 664 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng/người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%.
Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hoà và hạnh phúc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không.
Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch khu vực Nam Trung Bộ; có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy bản sắc đô thị biển – đảo – sông – núi; quy hoạch theo hướng đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế…
Điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hoá truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phát triển các vùng kinh tế – xã hội theo hướng: Phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh. Phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, có vai trò hỗ trợ các vùng trọng điểm. Phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hoá, giá trị tài nguyên bản địa, có vai trò bảo đảm an ninh môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, đại đoàn kết các dân tộc.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hoá, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn. Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển, vận tải biển – hàng không; kinh tế biển – đảo; thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương.
Đối với phát triển hạ tầng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp. Tập trung phát triển nguồn lực con người và khoa học – công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ nhân dân; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm tiến độ và công bằng xã hội; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Gắn phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị./.