Khánh Hoà: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu! (Bài 4)
Khánh Hoà: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu! (Bài 4)
Người dân xã Cam Hải Đông không những khổ vì dự án treo mà còn khốn đốn với nạn cát tặc và bãi chứa cát trái phép tràn lan trên địa bàn.
Tràn lan bãi chứa cát trái phép
Trước đó, Môi trường và Đô thị điện tử đã phản ảnh tình trạng dân khổ vì dự án treo do chưa được đền bù, tái định cư và nạn “cát tặc” hoành hành, gây ô nhiễm môi trường… Vừa qua, UBND huyện Cam Lâm đã có Công văn phản hồi, tiếp thu và làm rõ thêm một số nội dung.
Tuy nhiên, trong công văn này, huyện vẫn chưa đề cập về nội dung khai thác cát trắng trái phép và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh hoạt, đời sống của người trên địa bàn.
Có thể thấy, hiện nay có rất nhiều bãi chứa cát trắng trái phép trên địa bàn xã Cam Hải Đông, nhưng chính quyền địa phương hình như không hay biết, mặc dù nhiều hộ dân đã có đơn phản ánh. Trong đơn nêu rõ: “Thời gian qua, mỏ cát trắng Thủy Triều có dấu hiệu buông lỏng quản lý, một số đơn vị đã lén lút khai thác và hình thành những bãi chứa cát trắng trái phép, gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng sinh hoạt, đời sống của hàng chục hộ dân nơi đây…”.
Đáng lưu ý, “Công ty TNHH MTV Cát Cam Ranh-Fico (Công ty Fico) đã nhiều năm khai thác cát trắng, nhưng Giấy phép khai thác không thời hạn, không có bản vẽ và quy định công suất, có hiện tượng “cấu kết” với chủ dự án treo đã khai thác và có nhiều bãi chứa cát trong vùng, nguy cơ làm thất thoát nguồn thu trong lĩnh vực khoáng sản. Vụ việc đã được người dân nêu ý kiến tại những cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có câu trả lời xác đáng” – Một cán bộ hưu trí ở thôn Thủy Triều khẳng định.
Theo ghi nhận của PV, tại xã Cam Hải Đông có nhiều dự án đang triển khai thi công, nhất là những công trình khách sạn, thương mại – dịch vụ được đầu tư theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030. Tuy nhiên, địa phương có mỏ cát trắng Thủy Triều với trữ lượng lớn, nhưng quản lý chưa chặt chẽ. Một số đơn vị lén lút đưa xe máy đào, xe tải lấy cát đưa về bãi chứa trái phép.
Khi đi sâu vào trong những vườn xoài, rẫy mì…, PV phát hiện thêm một số bãi chứa cát trái phép. Ngay trong vùng dự án treo, đơn vị cũng đã “cấu kết” với doanh nghiệp tư nhân đưa nhiều xe tải chở cát vào trữ tại các bãi chứa trong rẫy keo, vườn cây ăn quả, gây bụi bặm nơi khu dân cư…
Cơ quan quản lý nói gì?
Theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, trên địa bàn xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, có những đơn vị khai thác cát không phép, địa phương chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Hiện tượng khai thác cát lậu, với những bãi chứa cát trái phép đã tái diễn thường xuyên, tạo điểm nóng trên địa bàn. Tỉnh đã cảnh báo và nơi đây chưa quản lý chặt chẽ trong lĩnh vực khoáng sản, tạo kẽ hở cho một số công ty khai thác cát trắng và ngang nhiên chiếm đất đổ cát tràn lan. Tỉnh, huyện không cấp đất, giấy phép cho doanh nghiệp làm bãi chứa cát trắng. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng bãi chứa cát trái phép thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…
Báo cáo của Sở TM&MT Khánh Hòa cũng nêu rõ: “Thời gian qua, Công ty Fico được Bộ Công nghiệp nặng cấp Giấy phép khai thác Mỏ cát trắng Thủy Triều, huyện Cam Lâm không thời hạn (số 268/CNNg/KTM, ngày 8/10/1990) với diện tích 263,25 ha, trữ lượng 13.978.320 tấn (Giấy phép cũng không quy định công suất, độ sâu khai thác cát). Đến đầu năm 2012, mỏ khoáng sản cát trắng này có diện tích còn lại 100 ha, công suất khai thác 200.000 tấn/năm. Hiện Công ty Fico đang tiến hành khai thác, chế biến và mua bán cát trắng với khối lượng hàng năm rất lớn, nhưng vẫn theo Giấy phép của Bộ Công nghiệp nặng cấp năm 1990…”.
Giải đáp thắc mắc về hồ sơ, giấy phép khai thác cát trắng của Công ty Fico có hợp lệ, có khai thác cát lậu, Sở TN&MT Khánh Hòa cho rằng: “Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, bao gồm khoáng sản là cát trắng từ năm 2022 thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT… Còn Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Fico do Bộ Công nghiệp trước đây đã cấp phép, sau này chuyển giao cho Bộ TN&MT quản lý, cấp phép. Hiện Cục khoáng sản – Bộ TN&MT sẽ chịu trách nhiệm cung cấp hồ sơ, làm rõ thông tin về pháp lý, hiệu lực thi hành của Giấy phép khai thác khoáng sản cũng như có phải tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không đối với các khu vực mỏ đã được cấp phép, hoạt động theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Sở TN&MT chỉ tham mưu UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường”.
Còn UBND huyện Cam Lâm cho rằng, từ nhiều năm qua, Công ty Fico liên tục tổ chức khai thác, có nhiều bãi chứa cát trắng “vô hình”?! “Công ty thường xuyên mua, bán cát trắng trên địa bàn, nhưng Giấy phép khai thác do Bộ Công nghiệp nặng cấp không có thời hạn (hồ sơ bản vẽ, giấy phép khai thác cát không gửi UBND huyện)”.
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, PV đã xin lịch làm việc với Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông Nguyễn Đức Trung, nhưng bị từ chối. Ông Trung đề nghị PV đăng ký lịch làm việc với Văn phòng UBND xã. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào của UBND xã Cam Hải Đông.
Và theo Công văn của UBND huyện Cam Lâm gửi Môi trường và Đô thị điện tử, đến nay, UBND xã Cam Hải Đông vẫn chưa có báo cáo về nội dung báo chí phản ánh cho UBND huyện.
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị