Khánh Hòa: Nâng cao năng lực TCĐLCL để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Mục tiêu nhằm phát triển khoa học và công nghệ để Khánh Hòa trở thành một trong những địa phương có trình độ khoa học và công nghệ thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và cả nước trên các lĩnh vực: Hải dương học, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vaccine và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch.

Mục tiêu cụ thể, từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật và tập trung nguồn lực thực hiện để đạt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ đột phá tại nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 23/02/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Phấn đấu đóng góp tỷ lệ của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 45 – 48%.

Thực hiện đầy đủ cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách dành cho khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ và nhu cầu phát triển của địa phương, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở thông qua việc thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và cấp phát kinh phí kịp thời, thực hiện nghiêm các quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Ảnh minh họa.

Tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi thúc đẩy tiêu chuẩn, đo lường năng suất chất lượng và phát triển công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Chuyển đổi số các quy trình quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sẵn sàng tiến tới quản lý, tác nghiệp 100% trên môi trường mạng.

Hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Ưu tiên hỗ trợ những lĩnh vực mũi nhọn, sản phẩm trọng điểm, thuộc thế mạnh của tỉnh nhằm tăng lợi thế cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, nâng số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ lên trên 15 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Nâng tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đưa vào áp dụng lên 1,5 lần so với đầu kỳ quy hoạch. Hình thành ít nhất 02 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Có ít nhất 01 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh được hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài và 05 tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh được thương mại hóa. Đẩy mạnh hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của địa phương, của tỉnh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó hình thành chiến lược lâu dài cho phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh.

Tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt mức 2% tổng chi ngân sách địa phương. Nâng cao năng lực của Trung tâm Thông tin ứng dụng khoa học công nghệ và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng dự án xây dựng công trình Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và Trạm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bằng nguồn vốn đầu tư công. Thành lập trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương với cơ chế đặc thù về hợp tác công tư, nhằm đẩy nhanh tiến trình ứng dụng chuyển giao công nghệ đại dương phục vụ phát triển kinh tế biển và mục tiêu lưỡng dụng.

Phấn đấu đưa số kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ ngân sách nhà nước được thương mại hóa tăng 10% hằng năm. Đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Đảm bảo 100% các kết quả nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được đăng ký và lưu trữ trên hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, 100% các kết quả nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được đăng ký và lưu trữ trên hệ thống thông tin khoa học và công nghệ của tỉnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; thứ hai, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ mới, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thứ ba,  xây dựng và triển khai chương trình đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, diễn đàn khoa học và công nghệ.

Hỗ trợ phát triển các Trung tâm dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; thứ tư, triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025; thứ năm, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ;

Thứ sáu, nâng cao năng lực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa; thứ bảy, tăng cường đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thứ tám, chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, doanh nghiệp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thứ chín, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên ngành việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước; xử lý vi phạm về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường; sử dụng phương tiện đo, phép đo, lượng hàng hóa đóng gói sẵn, trong đó chú trọng hình thức kiểm tra đặc thù về đo lường, chất lượng, đánh giá sự phù hợp, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích