Khánh Hòa: Mang mùa Xuân đến với những phận đời khốn khó

Nghỉ ngày nào đói ngày đó

Một buổi tối cận Tết, chúng tôi có dịp đi cùng với nhóm thiện nguyện Tâm Đức (thành phố Nha Trang) đem theo những phần quà Tết cho những người đang mưu sinh trong đêm giá rét.

Hòa vào dòng người nhộn nhịp, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ bị khuyết tật đang bôn ba cùng chiếc xe lăn trên từng đoạn đường bán vé số. Kể về cuộc đời của mình, người phụ nữ cho biết chị tên Trần Thị Hiệu (quê Phú Yên), hai vợ chồng ly hôn đã lâu, cách đây vài năm chị rời quê lên thành phố Nha Trang mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Chị Trần Thị Hiệu mưu sinh và nuôi con ăn học bằng nghề bán vé số dạo. (Ảnh: Hương Thảo)
Chị Trần Thị Hiệu mưu sinh và nuôi con ăn học bằng nghề bán vé số dạo. (Ảnh: Hương Thảo)

Chị thuê một phòng trọ nhỏ ở đường Trần Quý Cáp (thành phố Nha Trang), rồi mỗi ngày rong ruổi khắp nơi, đến từng ngõ hẻm, góc phố bán vé số để gửi tiền về nuôi con.

“Hôm nay, tôi lấy từ đại lý khoảng 500 tờ vé số, quần quật cả ngày chỉ bán được được 200 tờ, phần còn lại lát nữa phải trả về cho đại lý. Dù rất vất vả nhưng tôi không bận tậm là ngày hay đêm miễn sao có thể bán được hết vé số là tôi mừng rồi. Bởi bỏ ngày nào là đói ngày đó”, chị Hiệu bộc bạch.

Dáng vẻ gầy gò với khuôn mặt khắc khổ, chị Nguyễn Thị Tý năm nay 49 tuổi cho biết, hoàn cảnh của chị rất khó khăn. Ở độ tuổi hơn nửa cuộc đời nhưng chị và các con vẫn đang ở trọ trong căn phòng chỉ vỏn vẹn vài mét vuông tại khu vực Cầu Dứa (thành phố Nha Trang).

Gần 22h, chị Nguyễn Thị Tý vẫn cặm cụi sắp xếp vỏ lon bia, hộp nhựa… trên đường Thống Nhất (TP. Nha Trang). (Ảnh: Hương Thảo)
Gần 22h, chị Nguyễn Thị Tý vẫn cặm cụi sắp xếp vỏ lon bia, hộp nhựa… trên đường Thống Nhất (thành phố Nha Trang). (Ảnh: Hương Thảo)

Hằng ngày để có tiền trang trải cuộc sống, chị Tý cùng chiếc xe máy len lỏi khắp nơi, nhặt ve chai bán kiếm tiền: “Đôi lúc thấy người ta đi mua hoa, sắm đồ Tết trong những ngày này tôi cũng mong muốn được như vậy lắm. Nhưng Tết là thời điểm ve chai bị vứt bỏ rất nhiều, lại ít người nhặt nên tôi phải cố gắng làm. Chỉ cần bán được nhiều ve chai, kiếm thêm chút tiền đã là hạnh phúc với tôi”.

Bà Trương Thị Mỹ Lệ (60 tuổi) cũng làm nghề nhặt ve chai và có cuộc đời rất đáng thương. Chồng bà Lệ mất cách đây mấy năm, hai vợ chồng không có con nên bà sống một mình. Vừa cặm cụi phân loại phế liệu, bà nói: “Mỗi ngày, cứ 6 giờ sáng tôi đã ra khỏi nhà đến khuya mới trở về. Ngày nhiều thì tôi kiếm được chừng 50 nghìn đồng nhưng có hôm chỉ kiếm được 10 nghìn đồng. Tết thì cũng chỉ vài ngày là hết, nhưng nếu tôi không làm thì lấy đâu tiền để sinh hoạt, nói gì đển sắm Tết”, bà Mỹ Lệ trải lòng.

Hơi ấm mùa xuân

Đã thành thông lệ, nhằm chia sẻ với những số phận kém may mắn nói trên, trong dịp Tết đến, xuân về, nhóm thiện nguyện Tâm Đức đã có hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp đỡ những người đang phải gồng gánh mưu sinh trên đường phố Nha Trang.

Hình ảnh những nhóm người không ngại đêm khuya đi trao những phong bao lì xì, tặng quà cho mọi người… đã khiến không khí mùa xuân thêm vui tươi, ấm áp hơn.

Ông Trần Hồng Minh trao phong bao lì xì với mệnh giá 100.000đ cho các hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Hương Thảo)
Ông Trần Hồng Minh trao phong bao lì xì với mệnh giá 100 nghìn đồng cho các hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Hương Thảo)

Ông Trần Hồng Minh, trưởng nhóm thiện nguyện Tâm Đức cho hay, kinh phí để mua những phần quà chính là sự đóng góp của 80 thành viên trong nhóm. Các thành viên ở lứa tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, công việc khác nhau … nhưng họ có điểm chung là sự nhiệt huyết, sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống.

“Tết Nguyên đán đã cận kề, chúng tôi hi vọng những phần quà tuy không có giá trị to lớn nhưng lại đến từ tấm lòng chân thành sẽ sưởi ấm trái tim cho những mảnh đời khốn khó, giúp họ có chút niềm vui khi mùa xuân gõ cửa”, ông Hồng Minh nói.

Niềm vui trong những ngày cận Tết. (Ảnh: Huy Hoàng)
Niềm vui trong những ngày cận Tết. (Ảnh: Huy Hoàng)

Cầm trên tay lốc nước yến và chiếc phong bao lì xì đỏ thắm, chị Trần Thị Hiệu xúc động: “Tôi rất biết ơn và cảm động khi nhận được quà Tết trong đêm khuya như thế này. Thế là có chút quà đem về cho con, có tiền mua vé xe về quê sum họp cùng gia đình”.

Hương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích