Khánh Hòa liên tiếp phát hiện, xử lý cơ sở vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra đột xuất hai cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy tại đường Thống Nhất, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang. Qua kiểm tra, đội đã phát hiện và tạm giữ 160 sản phẩm phụ tùng xe máy, bao gồm dây đo đồng hồ tốc độ, dây ga, dây thắng, lọc gió, bơm nước, yên xe máy… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha – hai thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết của hai cơ sở lên tới hơn 8 triệu đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy. Ảnh: Cục QLTT Khánh Hòa
Hiện toàn bộ số hàng hóa trên đã được tạm giữ để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 1 phối hợp chặt chẽ với đại diện chủ thể quyền là Chi nhánh công ty Luật Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng để tiếp tục điều tra và làm rõ vụ việc.
Về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, trong đợt kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Đội QLTT số 1 đã ghi nhận đa số các doanh nghiệp và cửa hàng chấp hành tốt các quy định về kinh doanh xăng dầu như điều kiện kinh doanh, hợp đồng mua bán, và nguồn gốc, xuất xứ của xăng dầu. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp đã bị phát hiện vi phạm do không đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với hai doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Đội QLTT số 1 cũng phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền và hướng dẫn các quy định pháp luật cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng thời vận động họ ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc và không tạo khan hiếm nguồn cung hay tăng giá bất hợp lý.
Tiếp tục triển khai kế hoạch đấu tranh chống hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc, Đội QLTT số 2 Cục QLTT Khánh Hòa đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Trần Thị Thu Thảo tại phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, vào ngày 26/8/2024. Tại đây, lực lượng kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 114 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao gồm các mặt hàng như nước hoa, sữa tắm, hấp tóc, và kem thoa mặt, với tổng trị giá hơn 10,5 triệu đồng.
Các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Khánh Hòa
Sau khi lập biên bản vi phạm, Đội QLTT số 2 đã ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh Trần Thị Thu Thảo 14 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm vi phạm.
Nhằm tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, TS Chu Quốc Thịnh – Trưởng phòng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng nghị định quản lý mỹ phẩm. Bộ hồ sơ này đang trong quá trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến ban hành trong năm 2025.
Các nội dung chính sách dự kiến tại nghị định này bao gồm 3 chính sách. Trong đó, tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm, cùng với đó là nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước.
Duy Trinh (t/h)