Khánh Hòa: Cơ hội vàng “hút” khách quốc tế bằng du lịch tàu biển

Thị trường đầy tiềm năng

Khánh Hòa có rất nhiều tiềm năng cùng lợi thế để phát triển du lịch tàu biển, với hệ thống tài nguyên biển đảo phong phú, nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu cập cảng của tàu du lịch cỡ lớn,… là những yếu tố giúp Khánh Hòa trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của các hãng tàu biển quốc tế.

Ngành Du lịch Khánh Hòa cần đa dạng sản phẩm để  được lượng du khách này kéo dài thời gian lưu trú trên bờ, để du khách có chỗ “tiêu tiền” sẽ góp phần tăng nguồn thu cho du lịch của tỉn
Ngành Du lịch Khánh Hòa cần đa dạng sản phẩm để kéo dài thời gian lưu trú trên bờ của khách du lịch tàu biển, để du khách có chỗ “tiêu tiền” sẽ góp phần tăng nguồn thu cho du lịch của tỉnh. (Ảnh: Hương Thảo)

Theo ông Nguyễn Văn Thành – chuyên gia du lịch, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, đặc trưng của khách du lịch tàu biển là dòng khách ổn định, có mức chi tiêu cao, đến từ nhiều quốc gia khác nhau và đi tour dài ngày. Thông thường trên một hành trình tàu biển, số lượng khách được tính từ vài trăm đến vài nghìn khách.

“Nếu có thể hấp dẫn được lượng du khách này kéo dài thời gian lưu trú trên bờ, để du khách có chỗ “tiêu tiền” sẽ góp phần tăng nguồn thu cho du lịch của tỉnh. Do đó, ngành Du lịch phải chủ động các giải pháp để hút du khách quốc tế vì đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành Du lịch Khánh Hòa cần tập trung thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Thành nói.

Có thể khẳng định, dư địa để Khánh Hòa phát triển lĩnh vực du lịch tàu biển rất lớn và có thể tạo ra đa dạng sản phẩm chất lượng phục vụ đối tượng khách này.

Nhiều rào cản đón dòng khách hạng sang

Cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, du lịch tàu biển tại Khánh Hòa phát triển chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Lượng khách quốc tế đến địa phương qua đường biển chưa được như kỳ vọng. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó kể đến do một số chính sách chưa phù hợp cũng như nguồn nhân lực dịch vụ.

Minh chứng cho điều này, trong những ngày qua, từ ngày 18 đến 24/2, đã có 3 chuyến tàu biển thông báo hủy chuyến đến địa phương gồm: Queen Mary 2 (2.000 khách), Nautica (500 khách), Spectrum of the sea (4.000 khách).

Lý do các tàu biển này không cập cảng ngoài việc bị ảnh hưởng của thời tiết, thì các doanh nghiệp lữ hành cho rằng khó thực hiện chương trình tour du lịch đồng quê cho du khách tham quan, khi nhiều tuyến đường chính vào thành phố đều cấm xe 29 chỗ lưu thông giờ cao điểm. Điều này khiến các doanh nghiệp lữ hành bối rối dù trước đó các chuyến tàu biển kể trên đã có kế hoạch cập cảng.

Mặt khác, trong mắt của một số chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp có khả năng khai thác và đáp ứng dịch vụ cho khách du lịch tàu biển còn hạn chế, trong khi các dòng khách thuộc hạng sang thường khó tính hơn trong việc yêu cầu đội ngũ nhân lực phục vụ du khách phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó cũng là trở ngại lớn cho quá trình phát triển loại hình du lịch này.

Bên cạnh đó, còn nhiều sản phẩm du lịch khá đơn điệu, chưa tạo bứt phá nên việc giữ chân được du khách lưu trú dài ngày trên bờ còn hạn chế.

Một loạt những yếu tố nêu trên sẽ khiến các hãng tàu du lịch biển cần phải cân nhắc khi chọn Khánh Hòa là điểm đến trong tương lai. Kéo theo việc ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ mất nhiều cơ hội đón những tàu biển có lượng khách du lịch rất lớn đến địa phương.

Giải bài toán cho du lịch tàu biển

Các chuyên gia du lịch nhận định rằng, việc khai thác thị trường du lịch tàu biển chính là chìa khóa mới để mở rộng cánh cửa du lịch phát triển mạnh mẽ. Đây là một bài toán khó mà muốn tìm được lời giải cần có sự chung tay từ nhiều phía và quan trọng nhất vẫn là chính sách của địa phương.

Mới đây, để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Giao thông & vận tải tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết vấn những vướng mắc của doanh nghiệp có xe trên 29 chỗ chở khách du lịch tàu biển vào trung tâm thành phố Nha Trang. Sau khi bàn bạc, Sở Giao thông & vận tải tỉnh đề xuất phương án cấp phép riêng cho xe trên 29 chỗ ngồi chở du khách từ những tàu du lịch biển quốc tế vào thành phố giờ cao điểm.

Tuy nhiên, Sở Giao thông & vận tải tỉnh khẳng định việc các tàu du lịch biển liên tiếp thay đổi lộ trình không phải do bất cập giao thông. Và phương án trên chỉ cấp phép cho doanh nghiệp trong trường hợp thật sự cần thiết. Về lâu dài, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện dán phù hiệu “xe du lịch” để được hoạt động theo đúng quy định của tỉnh Khánh Hòa.

Theo quy định, ô tô được dán phù hiệu “xe du lịch” thì lái xe, nhân viên phục vụ phải theo học lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch phục vụ trên ô tô vận tải chở khách du lịch và trên phương tiện thủy nội địa, do Sở Du lịch tỉnh tổ chức và cấp chứng chỉ.

Tàu biển Seven Seas Explorer cập cảng Nha Trang
Tàu biển Seven Seas Explorer cập cảng Nha Trang

Ngay sau khi có phương án tháo gỡ, vào ngày 1/3, đã có chuyến tàu biển đầu tiên đến Nha Trang – Khánh Hòa, đó là tàu biển có tên Seven Seas Explorer (quốc tịch quần đảo Marshall) với 637 khách đã cập cảng Nha Trang. Các du khách này đến từ đa quốc gia, gồm: Mỹ, New Zealand, Mexico, Tây Ban Nha, Canada, Thụy Sĩ, Philippines, Thái Lan…

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đây là tín hiệu tốt, qua đó khẳng định với thị trường quốc tế, Nha Trang – Khánh Hòa vẫn là điểm đến được du khách quốc tế lựa chọn. Dự kiến từ cuối tháng 2 đến hết năm 2023, có 27 chuyến tàu du lịch biển đến Nha Trang, trong đó có nhiều tàu có số lượng từ 2.000 – 4.000 khách.

Từ góc độ của doanh nghiệp, trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến, xây dựng những chương trình tour hấp dẫn. Đồng thời, phối hợp gắn kết với Sở Du lịch trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ thị trường khách du lịch bằng tàu biển, bởi đây là một trong những nguồn khách quan trọng đóng góp vào thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa.

Hương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích