Khẳng định thương thiệu ngành thủy sản nhờ tiêu chuẩn ASC

ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản). Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn ASC dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. ASC đang có những bước tiến bộ vượt bậc trong việc hướng đến mục tiêu để trở thành chương trình chứng nhận và dán nhãn hàng đầu thế giới đối với các loài thủy sản nuôi có trách nhiệm. ASC đưa sản phẩm thủy sản an toàn từ các trại nuôi ra thị trường, đồng thời hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội.

 Tiêu chuẩn ASC giúp người tiêu dùng thêm niềm tin vào chất lượng của sản phẩm thủy sản

ASC xây dựng hai tiêu chuẩn thành phần: Tiêu chuẩn trang trại (áp dụng cho các trang trại nuôi trồng thủy sản) và tiêu chuẩn chuỗi hành trình (áp dụng cho các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu – nhập khẩu, phân phối). Tuy nhiên, hiện nay, ASC chỉ mới hoàn thiện tiêu chuẩn đối với trang trại. Vì vậy, để đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản có được giấy thông hành đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới, ASC kết hợp cùng MSC cung cấp tới khách hàng dịch vụ chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm MSC (CoC MSC).

Nhằm đưa các sản phẩm thủy sản ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo đạt được chứng nhận qua các vòng kiểm tra khắt khe, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng được nhận về nhiều lợi ích từ tiêu chuẩn này.

Đầu tiên, với các trang trại nuôi trồng thủy sản, việc áp dụng ASC vào hệ thống của mình sẽ xây dựng hệ thống nuôi trồng, sản xuất hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó đáp ứng yêu cầu của nhà xuất nhập khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng doanh thu.

Đối với người tiêu dùng, chứng nhận ASC có ý nghĩa vô cùng lớn. Đứng trước sự đa dạng trong nguồn cung cấp sản phẩm thủy sản, người tiêu dùng sẽ bị hoang mang không biết sản phẩm nào đạt chất lượng. Tuy nhiên, khi được cấp chứng nhận của ASC, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn mặt hàng đảm bảo an toàn. Các sản phẩm đạt chứng nhận ASC sẽ được phép dán nhãn chứng nhận trên bao bì. Ngoài ra, chứng nhận này cũng góp phần xây dựng ngành thủy sản phát triển bền vững.

 Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích