Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động đo lường trong phát triển kinh tế – xã hội

Siêu âm mối hàn ray thép tại Dự án Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên (Tuyến Metro số 1). Ảnh: Quatest 3.

Nền tảng của quá trình sản xuất

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 08/SL ban hành đơn vị đo lường hợp pháp, trong đó quy định thống nhất đo lường nước ta theo hệ mét được coi là viên gạch đầu tiên và là điểm xuất phát để xây dựng ngành đo lường phát triển như hiện nay. Trải qua các giai đoạn khác nhau, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra cho thấy, hoạt động đo lường ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội.

Từ trình độ sản xuất thủ công chuyển dần lên trình độ cơ khí hoá, tự động hoá với sự áp dụng rộng rãi kỹ thuật điện tử, tin học, đo lường gần như tham dự vào toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất, điều khiển, điều chỉnh quá trình công nghệ và giai đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng, cho đến khâu lắp đặt đưa sản phẩm vào sử dụng và bảo hành.

Nhiệm vụ hàng đầu của đo lường trong sản xuất là cung cấp thông tin sơ cấp dùng trong kỹ thuật xử lý số liệu bằng điện tử và tin học để tối ưu hoá quá trình công nghệ, tối ưu hoá việc sử dụng vật liệu và năng lượng. Đo lường chính là cơ sở, là trung tâm của hệ thống điều chỉnh, điều khiển trong quá trình sản xuất. Bởi vậy, nhiều chuyên gia nhận xét, 3 bộ phận hợp thành của một nền sản xuất hiện đại chính là năng lượng, nguyên vật liệu và đo lường.

Phạm vi ảnh hưởng rộng lớn

Theo TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, đo lường là lĩnh vực có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và liên quan mật thiết đến đời sống thường nhật. Cụ thể như để đảm bảo đúng lượng hàng hóa thì chiếc cân ở chợ, cột bơm ở các cây xăng, đồng hồ tính tiền trên xe taxi,… phải được kiểm định; để đảm bảo cho kết quả khám chữa bệnh chuẩn xác thì nhiệt kế cũng phải được kiểm định; khối lượng thực phẩm đóng gói sẵn được đảm bảo bằng những quy định chặt chẽ về hàng đóng gói sẵn;…

Còn rất nhiều ví dụ khác nữa là minh chứng cho thấy hoạt động đo lường đã từng bước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng trong thương mại, bảo vệ môi trường và sức khoẻ nhân dân. Đồng thời là công cụ quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội.

Dù có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, song đo lường thường ẩn sau các hoạt động khác nên khó và ít được nhận biết. Đồng thời, các chuyên gia nhận định, công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động đo lường cũng như quy định của nhà nước về đo lường chưa được rộng khắp, dẫn đến việc người dân chưa thực sự hiểu về vai trò, vị trí của lĩnh vực này.

Vì vậy, để phát huy vai trò quan trọng của đo lường trong đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng… thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh, thành phố về công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật về về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó tạo được lòng tin cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích