Khám phá nội đô của thành phố ‘ngoại ô’ Thủ Đức
Rời xa sự ồn ào, náo nhiệt ở trung tâm TPHCM, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi đi buýt sông Sài Gòn, đạp xe trên cung đường nhiều cây xanh và tìm hiểu về lịch sử hình thành của áo dài Việt Nam… bằng tour du lịch khám phá “ Thành phố bên dòng sông xanh ” tại thành phố “ngoại ô” Thủ Đức.
Việc thành lập TP Thủ Đức đã tạo sức hút du lịch về một địa điểm nằm ngay sát cạnh trung tâm TPHCM trước đến giờ du khách vẫn chưa để mắt đến.
Rời xa sự ồn ào, náo nhiệt ở trung tâm TPHCM, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi đi buýt sông Sài Gòn, đạp xe trên cung đường nhiều cây xanh và tìm hiểu về lịch sử hình thành của áo dài Việt Nam… bằng tour du lịch khám phá “Thành phố bên dòng sông xanh”. Đây là tour du lịch mới do Sở Du lịch TPHCM cùng các đơn vị lữ hành tổ chức để hưởng ứng Tuần lễ Du lịch TPHCM năm 2021.
Sau hành trình ngắn bằng buýt sông Sài Gòn, du khách sẽ dạo quanh bằng xe đạp trên những cung đường xuyên thành phố “ngoại ô”. Tour du lịch mới “Thành phố bên dòng sông xanh” diễn ra trong một ngày, phù hợp nhóm khách đoàn thích khám phá những địa điểm tâm linh, văn hóa hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng của TP Thủ Đức.
Điểm đến đầu tiên là công viên Lịch sử văn hóa dân tộc. Công viên có 4 khu vực tái hiện lại toàn bộ lịch sử của đất nước, từ thời khởi thủy cho đến nay, gồm: Khu cổ đại rộng 84 ha hay còn gọi là Khu tưởng niệm các vua Hùng. Khu trung đại rộng 29 ha, là khu thể hiện các sự kiện lịch sử từ thời Đinh đến thời Tây Sơn; khu cận – hiện đại rộng 35 ha, tái hiện thời kỳ nhà Nguyễn, thời kỳ đấu tranh giành độc lập qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở Việt Nam; khu sinh hoạt văn hóa với những phức hợp như khu làng văn hóa dân tộc và Khu bảo tàng lịch sử tự nhiên, vui chơi giải trí.
Tại Bảo tàng Áo dài, du khách được đắm chìm trong không gian trưng bày các bộ sưu tập áo dài Việt Nam qua các thời kỳ và áo dài của các nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng áo dài cũng cho biết, trong năm nay, dù phải đóng cửa do giãn cách xã hội hơn 4 tháng nhưng tính đến tháng 11/2021, tổng số khách đến bảo tàng đạt hơn 15.500 người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019 và 16% so với năm 2020. Hiện nay, để đón thêm nhiều du khách, đơn vị đang làm mới và trùng tu lại các điểm du lịch trong khuôn viên của bảo tàng, kỳ vọng sẽ đón thêm nhiều du khách vào dịp Tết Nguyên đán 2022.
Bạn Nguyễn Bảo Ngọc (sinh viên ĐH Luật TPHCM) và bạn Vũ Quốc Huy (ĐH RMIT) đang thoải mái tạo dáng cho bộ ảnh kỷ yếu, làm đề tài nghiên cứu về tà áo dài Việt Nam. Hai bạn cho biết không ngờ ở đây có nhiều khung cảnh nên thơ và đẹp đến như vậy.
Bạn Hải Yến tạo dáng chụp ảnh trước không gian trưng bày lịch sử phát triển những tà áo dài cho rằng thực sự không nghĩ quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức) lại có một bảo tàng hay và nhiều chất liệu phục vụ cho việc học của mình đến như thế.
Bạn Nguyễn Ý Vy (sinh viên ĐH Y dược) chia sẻ: “Khi tham gia tour khám phá TP Thủ Đức, điểm dừng chân bảo tàng Áo dài cho em nhiều cảm hứng lắm tạo dáng chụp ảnh, khung cảnh nơi đây cũng nên thơ. Em thích nhất là khu chợ quê”.
Chợ quê với cóc ổi, mía ghim, bánh truyền thống mang lại cho du khách cảm giác quay về với tuổi thơ.
Điểm đến tiếp theo là chùa Bửu Long. Đây là ngôi chùa có kiến trúc Thái Lan độc đáo bậc nhất TPHCM. Vì vậy, nơi đây thường được người dân địa phương gọi với cái tên quen thuộc là chùa Thái Lan bởi lối kiến trúc đậm màu sắc xứ Chùa Vàng.
Người dân địa phương thường gọi chùa Bửu Long quận 9 là chùa Thái Lan bởi mang nét kiến trúc của những ngôi chùa xứ Chùa Vàng. Đó là những ngôi chùa được thiết kế, xây dựng kỳ công, với phần đỉnh chóp màu vàng cùng lối chạm trổ cầu kỳ, tinh tế.
Ngoài ra, chùa Bửu Long còn mang dấu ấn văn hóa Việt được thể hiện qua nét chạm trổ cùng các bức tượng rồng. Nơi đây trở thành là ngôi chùa phiên bản Thái là điểm chụp hình yêu thích của nhiều du khách trẻ.
Với vị trí đặc thù nằm giữa đồi cây xanh mát, chùa Bửu Long được rất nhiều người, không chỉ riêng khách hành hương, lựa chọn làm điểm đến chay tịnh để ngồi thiền, hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống hối hả hàng ngày. Đặc biệt, chùa Bửu Long được mệnh danh là “ngôi chùa không nhang khói”, du khách đến đây không cần mang theo hương đèn, chỉ cần có lòng thành, bái Phật cầu nguyện.
Được thành lập năm 1942, đến năm 2007, chùa Bửu Long được đầu tư xây dựng và trùng tu thêm, trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Thái Lan, Ấn Độ cùng tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn. Khu vực chính điện và khuôn viên xung quanh chùa được xây dựng hoàn toàn dựa theo thiết kế của trụ trì Thích Viên Minh.
Chùa liên tục được trùng tu tôn tạo với các khu vực chính bao gồm: chánh điện, tăng xá, trai đường, khách đường, tổ đường, thiền thất của chư Tăng, ni viện, ni xá và am thất của Tu nữ, tịnh nhân.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện đơn vị làm tour TST cho biết, hiện đã sẵn sàng cho các tour dịp cuối năm, tuy nhiên số lượng tour không nhiều như những năm trước do phải đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch COVID-19. Ngoài ra, công ty cũng tập trung các sản phẩm tour tại TPHCM bằng cách làm mới các điểm đến, hỗ trợ các quận, huyện xây dựng các tuyến mẫu để thu hút du khách, nhất là du khách thành phố. “Trong các tour nội địa, tour mới về TP Thủ Đức đang được kỳ vọng rất lớn. Thực tế, đơn vị đã đưa nhiều đoàn khách về khám phá thành phố Thủ Đức, lượng khách đã tăng cao hơn do có nhiều điểm đến và nhiều loại hình du lịch kết hợp như: du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, khám phá…”, ông Nguyễn Minh Mẫn nói. |
Nguồn: Báo xây dựng