Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Kạn
Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc; giáp ranh với tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, cách Thủ đô Hà Nội 170 km. Tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn.
Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại Nghị quyết Bộ Chính trị đã đưa ra yêu cầu về thống nhất nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển và tăng cường liên kết vùng từ đó dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng. Bài tham luận nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn vừa qua và đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc; giáp ranh với tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, cách Thủ đô Hà Nội 170 km. Tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có diện tích tự nhiên khoảng 485.996 ha; dân số khoảng 323.712 người, gồm 7 dân tộc chính (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay) trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%; mật độ dân số 65,1 người/km2.
Bắc Kạn có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn đặc biệt là chì, kẽm, sắt, vàng, vật liệu xây dựng như đá hoa cương, đá granit, đá xây dựng, đất sét, đá vụn, cát sỏi, đá vôi, thạch anh, sét gạch ngói, sét xi măng và một số khoáng chất công nghiệp,…; tỉnh có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử như quần thể du lịch Vườn quốc gia Ba Bể, Cụm di tích lịch sử Phủ Thông – Đèo Giàng, khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn, di tích lịch sử Nà Tu… Trong đó, nổi bật là Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, vườn di sản ASEAN. Đồng thời, Bắc Kạn có tiềm năng về phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững.
Lâm nghiệp với diện tích đất lâm nghiệp có rừng 372.665 ha, trong đó rừng tự nhiên 273.329ha, rừng trồng 99.336 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,4% (cao nhất cả nước), đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn theo hướng xanh và bền vững.
Bắc Kạn có vị trí khá thuận lợi cho giao thương với các tỉnh, thành phố trong vùng, liên kết thông qua hành lang phát triển Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, có lợi thế liên kết với các tỉnh trên tuyến hành lang. Tỉnh nằm trong không gian tiểu vùng du lịch Việt Bắc thuộc vùng du lịch Trung du miền núi phía Bắc theo chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.
Nằm trên tuyến Quốc lộ 3 là tuyến đường chiến lược quan trọng nối từ Thủ đô Hà Nội đến tỉnh Cao Bằng phục vụ phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trong những năm qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác du lịch với 2 thị trường trọng điểm của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối với các thị trường tiềm năng về du lịch trong nước và quốc tế.
Tỉnh Bắc Kạn nằm trong chuỗi liên kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp với vùng như Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh…). Tỉnh đã và đang triển khai mô hình liên kết vùng với một số tỉnh, thành phố như: Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hợp tác với thành phố Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực; kết nối cung cầu với tỉnh Hưng Yên để tiêu thụ sản phẩm nông sản cho Bắc Kạn, kết nối cung cầu với tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm miến dong và các nông sản khác của Bắc Kạn.
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn do không có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, tuy nhiên tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng qua đó tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Bắc Kạn đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Đến hết năm 2022, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 15.014 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,01%, GRDP bình quân trên người đạt 46,3 triệu đồng/người; tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 bình quân 5,33%; cơ cấu kinh tế năm 2022 Khu vực nông, lâm nghiệp – thủy sản chiếm 28,9%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 16,1%; khu vực dịch vụ chiếm 52%; khu vực thuế sản xuất chiếm 3%. Hệ số sử dụng vốn (ICOR) đang được cải thiện cả giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 10,94 thấp hơn so với giai đoạn 2011-2015 là 11,95; tuy nhiên hệ số ICOR của tỉnh Bắc Kạn vẫn ở mức cao điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của tỉnh còn chưa được cải thiện.
Khu vực nông nghiệp vẫn là ngành chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế của tỉnh trong những năm qua. Năm 2022, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 28,9% vào cơ cấu kinh tế của tỉnh, sản xuất đã dần chuyển dịch theo hướng hàng hóa, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu tập trung; một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, hoàn thiện về mẫu mã sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường và kết nối sản xuất, tiêu thụ… ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 171 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Tỉnh chú trọng thực hiện chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2021-2022 đã chuyển đổi được 398 ha diện tích trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, duy trì diện tích đã chuyển đổi từ năm 2018-2022 được 1.866 ha.
Ngành chăn nuôi bước đầu đã chuyển đổi từ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi theo hướng tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, sử dụng nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Ngành lâm nghiệp đang từng bước phát triển trở thành ngành sản xuất mũi nhọn trên địa bàn tỉnh với các biện pháp trồng rừng thâm canh và chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn.
Công nghiệp là một ngành quan trọng của nền kinh tế tỉnh Bắc Kạn. Trong giai đoạn 2011-2015 mặc dù có mức tăng trưởng âm (-7,4%). Tuy nhiên giai đoạn 2016-2020 ngành công nghiệp đã từng bước phát triển và đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân giai đoạn này là 12,72%/năm.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông – lâm sản và dược liệu, tập trung thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản phục vụ xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo là ngành kinh tế chủ lực chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành công nghiệp giai đoạn 2010-2020; mặc dù giai đoạn 2010 -2015 có xu hướng giảm tỷ trọng, tuy nhiên giai đoạn 2016-2020 có xu hướng tăng từ tỷ trọng 52,89% năm 2016 lên 56,62% năm 2020.
Ngành khai thác khoáng sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh, tuy nhiên ngành này có xu hướng giảm tỷ trọng từ 45,21% năm 2010 xuống 35,91% năm 2020. Còn lại các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chiếm tỷ trọng nhỏ và đang có xu hướng tăng dần qua các năm. Hết năm 2022, địa bàn tỉnh có hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến lâm sản đang hoạt động. Nổi bật là các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình: Công ty Cổ phần đầu tư GOVINA sản xuất sản phẩm ván gỗ dẫn các loại cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu; Công ty TNHH LEECHENWOOD VIỆT NAM sản xuất gỗ ván ép; …
Khu công nghiệp Thanh Bình, Bắc Kạn |
Khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GRDP của tỉnh, chiếm 52%. Trong cơ cấu nội ngành dịch vụ, ngành thông tin truyền thông là ngành có đóng góp quan trọng nhất, GRDP năm 2020 (theo giá so sánh) của ngành đạt 934,04 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,38% của khu vực dịch vụ; tiếp đến hoạt động giáo dục và đào tạo đạt 651,08 tỷ đồng chiếm 16,5%; hoạt động kinh doanh bất động sản 400,04 tỷ đồng, chiếm 10,44%; hoạt động bán buôn, bán lẻ sửa chữa ô tô đạt 286,25 tỷ đồng chiếm 7,5%, hoạt động y tế, trợ giúp xã hội 180,57 tỷ đồng, chiếm 4,7%; tiếp đến dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm 3,44%, vận tải kho bãi chiếm 2,91%. Hoạt động thương mại đã thu hút được các nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ, siêu thị đến bán buôn, bán lẻ, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và sản xuất cho nhân dân, doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, hoạt động hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại của tỉnh đã được chú trọng, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện chưa có trung tâm hội chợ triển lãm, vì vậy các hoạt động này thường phải tổ chức ngoài trời, điều này làm giảm tính chuyên nghiệp, sự chủ động trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại.
Du lịch đang là ngành được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển trong những năm gần đây để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đang từng bước được đầu tư xây dựng, công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch được tỉnh quan tâm, các hoạt động xúc tiến du lịch được tăng cường tổ chức theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó đã góp phần thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Bắc Kạn. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư khai thác và phát triển một số loại hình du lịch chính như: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch cộng đồng; du lịch lễ hội gắn với nghề thủ công truyền thống; du lịch tìm hiểu văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc; du lịch mạo hiểm, leo núi. Mặc dù chưa có sự phát triển đột phá xong tỉnh đã và đang hình thành và phát triển mạnh các khu đô thị, dịch vụ, du lịch để phát triển mạnh ngành dịch vụ trong thời gian tới.
Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô, mạng lưới trường, lớp học phát triển đều khắp trên địa bàn và ngày càng được sắp xếp tinh gọn, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 100 trường học đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 32% số trường học; trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ phòng học ở nhiều trung tâm trường, một số trường học vẫn còn các phòng học tạm, nhiều phòng học bán kiên cố; toàn tỉnh có 13.055 phòng học trong đó tỷ lệ phòng học tạm chiếm khoảng 5,58%, phòng học bán kiên cố chiếm khoảng 36,2%.
Công tác y tế – chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm. Hệ thống tổ chức y tế và cơ sở vật chất ngành y tế được quan tâm đầu tư, củng cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 103/108 Trạm Y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân đạt 17,5 Bác sĩ/ vạn dân năm 2020 cao nhất toàn quốc; đội ngũ Dược sĩ đại học và sau đại học được bổ sung đạt tỷ lệ 1,76 dược sĩ đại học/vạn dân; tỷ lệ cán bộ y tế/ vạn dân năm 2020 đạt 16,93 cán bộ/vạn dân.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương được quan tâm thực hiện, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 120 di tích, bao gồm 64 di tích đã được xếp hạng (02 di tích Quốc gia đặc biệt, 07 di tích Quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh) và 56 di tích kiểm kê chưa xếp hạng. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 88% hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; 86% làng, bản, tổ dân phố được công nhận làng, bản, tổ dân phố văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; hoạt động thể dục thể thao được thực hiện tốt, tỉnh duy trì đào tạo các vận động viên tham gia thi đấu ở các giải khu vực và toàn quốc.
Các chương trình, chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tập trung thực hiện hiệu quả. Nhiều mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo và công trình hạ tầng phục vụ chương trình giảm nghèo được đầu tư, các chính sách giảm nghèo được tổ chức thực hiện tốt, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 24,82%, tỉnh còn 2 huyện nghèo là Ngân Sơn, Pác Nặm.
Mặc dù là một tỉnh có vị trí khá thuận lợi so với một số tỉnh khác trong vùng và có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên chưa được khai thác hết, tuy nhiên trong quá trình phát triển Bắc Kạn vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất trong vùng và cả nước, tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến thách thức tụt hậu về nhiều mặt so với các tỉnh trong vùng và bình quân chung cả nước. Một số khó khăn, hạn chế như:
– Về nông, lâm nghiệp: Tốc độ chuyển dịch ngành nông nghiệp còn chậm. Sản xuất chưa thật sự bền vững, giá trị gia tăng thâm; trình độ sản xuất không đồng đều, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp mẫu mã chưa phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh chưa cao, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ phát triển chưa mạnh, chất lượng sản phẩm chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm.
– Về công nghiệp: Quy mô dự án công nghiệp nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp chưa đảm bảo, các cụm công nghiệp chưa được hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật để có thể thu hút các dự án đầu tư. Doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc những tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp.
– Về dịch vụ và du lịch: Chưa có phát triển đột phá và chưa có ngành dịch vụ chủ lực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành. Quy mô phát triển các hoạt động thương mại còn nhỏ, chủ yếu thực hiện bởi các cơ sở kinh doanh cá thể và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nguồn cung ngoài tỉnh. Hoạt động tài chính của tỉnh còn hạn chế về mạng lưới tổ chức so với các tỉnh lân cận, do đó, hoạt động tín dụng chưa thực sự đóng góp nhiều vào việc phát triển nền kinh tế. Giá trị đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là du lịch Hồ Ba Bể. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, chưa có tính kết nối, chưa có quy chuẩn chung thống nhất.
– Hiệu quả, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn yếu, đa số có quy mô nhỏ, khả năng đóng góp cho ngân sách tỉnh chưa nhiều. Suất đầu tư lớn, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn.
– Hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ của tỉnh chưa phát triển mạnh. Chất lượng giáo dục toàn diện chưa thật sự vững chắc; Hệ thống các cơ sở y tế phát triển chưa cân đối giữa các vùng, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ; y tế tuyến cơ sở chưa thể hiện được vai trò nền tảng; Đời sống của nhân dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo lên cận nghèo còn lớn.
– Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, giao thông còn khó khăn; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch… chưa được đầu tư bài bản để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phát huy hiệu quả tính liên kết nhằm phát triển bền vững kinh tế – xã hội trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tập trung thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Mục tiêu phát triển:
– Mục tiêu tổng quát:
+ Đến năm 2030, trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước, hệ thống không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa.
+ Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng thế mạnh về môi trường sinh thái, cảnh quan và văn hóa của tỉnh gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng; có thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển trong nhóm dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.
+ Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và kim loại màu.
+ Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối quan trọng; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo bền vững.
– Mục tiêu cụ thể:
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 7,5%; trong đó: Dịch vụ tăng trên 8%/năm; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,5%/năm; Công nghiệp – xây dựng tăng trên 11%/năm.
+ Cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm khoảng 54%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 20%; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 24%, thuế sản phẩm khoảng 2%.
+ GRDP bình quân người theo giá hiện hành đạt trên 93 triệu đồng.
+ Phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng.
+ Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 đạt trên 105 nghìn tỷ đồng.
+ Tổng lượng khách du lịch đạt trên 3 triệu lượt người.
– Duy trì tỷ lệ trên 17 bác sĩ/1 vạn dân; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.
+ Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, xóa mù chữ; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 90%; số trường chuẩn quốc gia tăng thêm 135 trường.
+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.
+ Duy trì tỷ lệ che phủ rừng 70%.
+ Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 100%.
+ Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 80% được sử dụng nước sạch.
+ Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 75%, trong đó 100% khối lượng nước thải từ các khu, cụm công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường
Những định hướng đột phá thực hiện phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045:
Thứ nhất, xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, tập trung đầu tư vào các tổ hợp dự án du lịch với phạm vi, quy mô lớn, chất lượng dịch vụ cao, đảm bảo bền vững và chuyên nghiệp, đồng bộ hiện đại; xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu đối với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf… Đưa Hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng, liên kết với các khu du lịch trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ngoài ngân sách, giải phóng các nguồn lực để phát triển du lịch và công nghiệp.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội. Tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai phá tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội với trọng tâm là hệ thống giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch gồm tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn – Cao Bằng; tuyến QL3B; tuyến đường trục Đông – Tây (Tuyên Quang – Bắc Kạn – Lạng Sơn) kết nối tuyến cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang và tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh; tuyến Bắc Kạn – Ba Bể – Na Hang (Tuyên Quang) và một số tuyến đường tỉnh, đường huyện khác. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với trọng tâm là chế biến nông, lâm sản, chế biến sâu khoáng sản và một số ngành có lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Thứ tư, tăng cường đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu triển khai các chương trình khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, hình thành các phương thức sản xuất, tiêu thụ và quản lý mới. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển và phát huy giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế – xã hội.
Một số giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045:
Một là, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế. Trong đó tăng cường huy động nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngân sách nhà nước. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công thực hiện, hoàn thiện các dự án kết cấu hạ tầng có tính kết nối vùng, các dự án có tính lan tỏa, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.
Hai là, tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung thu hút, liên kết phát triển các ngành du lịch, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp, dịch vụ… có lợi thế cạnh tranh.
Bốn là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn.
Năm là, chú trọng hợp tác khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt là hợp tác với các bệnh viện lớn tuyến trung ương để nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và trình độ chuyên môn đội ngũ y, bác sỹ của tỉnh.
Sáu là, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Bảy là, đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Hoàn thiện hạ tầng thể thao, hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng, phát triển một số môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh.
Tám là, tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của địa phương về khu vực phòng thủ và công tác quốc phòng, quân sự địa phương, đặc biệt là vùng ATK, CT229. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Nguyễn Thành Luân, Phòng Tổng hợp, Quy hoạch-
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị