Khai thác kinh tế đêm hiệu quả để mang lại sức bật cho Thủ đô
UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo trả lời cử tri liên quan đến nội dung cử tri đề nghị Thành phố quan tâm chỉ đạo, có giải pháp cụ thể phát triển mạnh mẽ kinh tế ban đêm, đặc biệt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Theo UBND TP. Hà Nội, ngày 13/6/2023, UBND Thành phố đã có Quyết định phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP. Hà Nội”, theo đó xác định rõ kinh tế đêm là một trong những mô hình kinh tế mới. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm là một trong những quận đi đầu của Thành phố triển khai Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”.
Việc triển khai Đề án góp phần cụ thể hóa định hướng về phát triển kinh tế đêm và xác định những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện, với một số hoạt động đặc trưng như: Không gian ẩm thực tại Chợ đêm Đồng Xuân, tổ chức Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận, tổ chức các Không gian đi bộ trong khu phố cổ.
Bên cạnh đó, còn một số hoạt động kinh tế đêm diễn ra ở một số khu vực khác như phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; Không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang; chợ ẩm thực Ngọc Lâm, quận Long Biên; các khu mua sắm cho sinh viên ở quận Cầu Giấy…
Năm 2022, UBND Thành phố đã giao UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác năm 2022 của UBND Thành phố).
Để có biện pháp cụ thể thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế ban đêm trên địa bàn Thành phố, đặc biệt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm như ý kiến của cử tri, UBND Thành phố đã đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm báo cáo đánh giá kết quả triển khai đề án và đề xuất việc tiếp tục triển khai và nhân rộng trong phạm vi hoạt động của các phố đi bộ.
Thời gian tới, để khai thác kinh tế đêm một cách hiệu quả, mang lại sức bật lớn cho Thủ đô, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND Thành phố việc ban hành Đề án phát triển kinh tế đêm, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp về: Nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro khi phát triển kinh tế đêm; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế đêm và kiểm soát rủi ro; các giải pháp quản lý nhà nước (về bộ máy và tổ chức triển khai) đối với kinh tế đêm; các mô hình kinh tế đêm cụ thể tại các địa phương đảm bảo phù hợp với đặc điểm yêu cầu về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có tính khả thi.
Ngoài ra, đề án cần có giải pháp về phát triển các loại hình dịch vụ kinh tế đêm thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí… đòi hỏi tính sáng tạo dựa trên nguồn văn hóa truyền thống sẵn có, khả năng tổ chức và triển khai của từng địa bàn; công tác quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế đêm; các hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế đêm.
Đối với quận Hoàn Kiếm, trong thời gian qua, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế ban đêm đã được quận triển khai thực hiện có hiệu quả, số lượt khách lưu trú qua đêm tăng nhanh: Năm 2021 là trên 625.000 lượt, năm 2022 là trên 996.000 lượt và ước 6 tháng năm 2023 là 783.000 lượt. Ước tính doanh thu từ các hoạt động kinh tế ban đêm chiếm 15,2% tổng doanh thu dịch vụ, thương mại, du lịch quận…
UBND quận đã trình HĐND quận thông qua Nghị quyết về xúc tiến, quảng bá phát triển kinh tế ban đêm, tập trung phát triển các không gian, tạo động lực cho các lĩnh vực dịch vụ chủ yếu phát triển kinh tế ban đêm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm. Quận cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo dựng liên kết bền vững trong hoạt động kinh tế ban đêm; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm…
UBND Thành phố đã đề nghị UBND Quận Hoàn Kiếm có báo cáo đánh giá kết quả triển khai đề án và đề xuất việc tiếp tục triển khai và nhân rộng trong phạm vi hoạt động của các phố đi bộ.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu