Khai thác hiệu quả không gian công cộng bãi giữa sông Hồng

(Xây dựng) – Tại Hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp”, các nhà quản lý, đại diện các quận có liên quan đã chia sẻ góc nhìn nhằm khai thác hiệu quả bãi giữa sông Hồng.

Khai thác hiệu quả không gian công cộng bãi giữa sông Hồng
Ông Nguyễn Bá Nguyên – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Cần tận dụng cơ hội để phát triển

Ông Nguyễn Bá Nguyên – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết: Bãi nổi sông Hồng là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm. Đây là một không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô với diện tích khoảng 23 ha. Khu vực Bãi Giữa thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (Tây Hồ); Phúc Xá (Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (Long Biên)… Phần lớn diện tích Bãi Giữa nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển kinh tế xã hội, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nhưng công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực sông Hồng nói chung và khu vực bãi giữa nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, các vi phạm an toàn hành lang thoát lũ; vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra…

“Việc nghiên cứu Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, cụ thể hóa định hướng quy hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời tạo dựng hình ảnh cảnh quan tự nhiên khu vực bãi giữa sông Hồng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, vận tải phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Bá Nguyên nói.

Khai thác hiệu quả không gian công cộng bãi giữa sông Hồng
Ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại Hội thảo.

Còn theo ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, khu vực bãi giữa sông Hồng là quỹ đất đáng quý mà thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch.

“Trên thực tế, không phải thành phố nào trên thế giới cũng có điều kiện để hướng về không gian mặt nước – xanh để tạo nên một hành lang xanh dọc theo trục sông Hồng, các công viên văn hóa, lịch sử; công viên du lịch sinh thái, giải trí gắn liền mặt nước sông Hồng của Hà Nội. Đây là điểm xuất phát để các doanh nghiệp có điều kiện khai thác các không gian ven sông Hồng một cách hiệu quả và bền vững. Mặt khác, đây cũng là thời điểm để các khu dân cư ven sông tự quản trị và biến đổi thành môi trường sống xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn cho phát triển du lịch cộng đồng”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Việc quản lý, khai thác không gian công cộng khu vực bãi giữa sông Hồng, tạo thành một điểm tham quan du lịch bổ trợ cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội còn góp phần giải quyết các vấn đề về quản lý chống lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, khôi phục lại giao thông đường sông, cải thiện vệ sinh môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Ngoài ra, không gian này sẽ phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tạo lập hình ảnh thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc và truyền thống lâu đời; tôn trọng các khu vực bảo tồn, đặc biệt là đoạn đi qua đô thị trung tâm.

Từng bước giải quyết bài toán phát triển bền vững

Là một trong những quận tham gia quản lý bãi giữa sông Hồng, quận Long Biên luôn chú trọng phát triển khu vực này trong suốt những năm qua. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên, hình thái tự nhiên của quận Long Biên được bao bọc bởi hai dòng sông lớn nhất chảy qua Thủ đô Hà Nội là sông Hồng và sông Đuống. Vùng bãi giữa đã và đang là khu vực vừa khó kiểm soát phát triển nhằm đảm bảo không gian thoát lũ, vừa là bài toán trong việc đánh thức tiềm năng không gian cảnh quan rộng lớn.

Khai thác hiệu quả không gian công cộng bãi giữa sông Hồng
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, có thể phát triển công viên đa chức năng thuộc khu vực bãi giữa sông Hồng trong thời gian tới. Để khu vực này là điểm nhấn của trục cảnh quan sông Hồng, cần phải tiến hành nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng sông Hồng, trong đó xác định cầu Long Biên là một thông số quan trọng và tất yếu.

Nguyên tắc thiết kế chủ đạo khu vực này cần phải hạn chế tối đa bê tông hóa; quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng, quy hoạch cảnh quan khu vực phục vụ cho cộng đồng; khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên trong các thời điểm, kịch bản khác nhau nhưng vẫn đạt được nhu cầu tiện ích sử dụng cao; kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, thân thiện môi trường; cảnh quan khu vực sử dụng các vật liệu tự nhiên, truyền thống như tre, gỗ…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quy hoạch và kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan; thiết lập cơ chế, chính sách phục vụ cho quản lý sau quy hoạch; quy trình thực hiện phải phân theo giai đoạn cụ thể, ưu tiên thứ tự đầu tư phù hợp; huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; thực hiện quy chế quản lý, vận hành, duy tu, duy trì. Đồng thời, hướng đến phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc Sông Hồng đi đôi với kiểm soát chặt chẽ sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu.

Khai thác hiệu quả không gian công cộng bãi giữa sông Hồng
Ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình.

Trong khi đó, ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề xuất, có thể thực hiện ý tưởng xây dựng Công viên cảnh quan văn hóa sông Hồng bao gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang là khu dân cư tập trung ngoài đê và các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối.

Khu vực đầu tư mới nằm ở bãi giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian – sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử. Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian – kết nối thị giác với khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.

Hà Nội nên tạo dựng các quảng trường khu vực bãi giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác để kết nối với các điểm nhấn đô thị có sẵn như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân – chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu…

Khai thác hiệu quả không gian công cộng bãi giữa sông Hồng
Ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ.

Để xây dựng không gian bãi giữa sông Hồng, ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng, cần làm tốt công tác quy hoạch; hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan; xây dựng lộ trình cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư và tranh thủ mọi nguồn vốn cho quá trình triển khai thực hiện.

Công tác lập quy hoạch cần đi vào chi tiết, cụ thể đến từng khu vực, từng ô chức năng; cần xác định được khu vực cần ổn định, khu vực can thiệp và khu vực bảo tồn; phải xây dựng phương án khai thác, quản lý, vận hành không gian công cộng bãi bồi, bãi giữa; giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên ngay ở khâu lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông… gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông; phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng; kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị.

“Trong điều kiện nguồn lực của còn hạn chế, có thể tranh thủ sử dụng nguồn lực từ chính những cơ chế chính sách để tạo sự hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng dân cư cùng tham gia. Những chính sách linh hoạt, phù hợp có thể tháo gỡ khó khăn trong nguồn lực, hướng tới đầu tư xây dựng một không gian văn hóa công cộng đáng sống, tạo dấu ấn, bản sắc riêng cho Thủ đô Hà Nội”, ông Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích