Khai thác đất tại Lục Nam, Bắc Giang: UBND huyện báo cáo gì với Ban Nội chính Tỉnh ủy?

Như đã thông tin, tại Công văn số 637/CV-BNCTU ngày 03/8/2022 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang do Phó Trưởng ban Đặng Ngọc Toàn ký ban hành gửi Chủ tịch UBND huyện Lục Nam. Văn bản nêu rõ: “Dự án thi công cắt tầng, chống sạt lở đất, đá tại khu vực thôn Ao Vè, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam có dấu hiệu vận chuyển đất xuống tàu thủy nội địa tại bến thủy nội địa của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Phong Lưu tại xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (bến Mỹ An) để vận chuyển ra ngoài địa bàn trái phép”. Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị Chủ tịch UBND huyện Lục Nam chỉ đạo tiến hành kiểm tra dấu hiệu vận chuyển khoáng sản ra ngoài địa bàn trái phép nêu trên, báo cáo bằng văn bản trước ngày 12/8/2022.

Ảnh 1 Báo cáo của UBND huyện gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy ngày 11.8.2022
Báo cáo của UBND huyện gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy ngày 11/8/2022.

Ngày 11/8/2022, UBND huyện Lục Nam đã có Báo cáo số 329/BC-UBND do Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Toán ký về việc kết quả kiểm tra dấu hiệu vận chuyển, tài nguyên khoáng sản ra ngoài địa bàn trái quy định bằng tàu thủy nội địa trên địa bàn thôn Ao Vè, xã Vô Tranh, báo cáo nêu rõ:

Sau khi được UBND tỉnh cấp phép, ngày 05/7/2022 Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Vũ Hoàng triển khai thi công cắt băng, tầng chống sạt lở đất, đá và vận chuyển đất dư thừa; tính đến ngày 03/8/2022 đã khai thác được khoảng 15.000 m3, trong đó: xuất bán cho Nhà máy gạch Phương Sơn của Công ty TNHH Phương Sơn tại xã Cương Sơn, huyện Lục Nam được khoảng 9.500 m3, san lấp cho các công trình dân sinh trên địa bàn xã Vô Tranh được khoảng 1.500 m3 và vận chuyển xuất bán qua địa bàn xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn khoảng 4.000 m3 bằng đường thủy nội địa. Qua kiểm tra khu vực khai thác phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Vũ Hoàng tổ chức thi công khai thác vượt phạm vi ranh giới theo bề mặt được cấp phép với diện tích 820 m2, khối khoáng sản đã mang đi tiêu thụ 3.280 m3.

Sau khi phát hiện, UBND xã Vô Tranh đã đình chỉ hoạt động thi công của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Vũ Hoàng để chấn chỉnh; đến nay không còn diễn ra hoạt động vận chuyển khoáng sản ra ngoài địa bàn huyện Lục Nam.

Như vậy, nội dung theo dõi nắm tình hình vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản của Ban Nội chính Tỉnh ủy về việc vận chuyển tài nguyên, khoáng sản ra ngoài địa bàn trái quy định bằng tàu thủy nội địa của dự án thi công cắt băng, tầng chống sạt lở đất, đá tại thôn Ao Vè, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam của UBND xã Vô Tranh không đúng theo giấy phép được UBND tỉnh cấp là đúng.

Ảnh 2. Thông tin xử phạt Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Vũ Hoàng-2
Thông tin xử phạt Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Vũ Hoàng.

Biện pháp xử lý mà UBND huyện Lục Nam đưa ra là phạt hành chính đối với Công ty TNHH dịch vụ vận tải Vũ Hoàng về hành vi khai thác vượt phạm vi ranh giới được cấp phép, số tiền theo khung xử phạt là 15.000.000 đồng, tịch thu lợi ích bất hợp pháp 16.400.000 đồng. Tổng mức phạt là 31.400.000 đồng. Yêu cầu UBND xã Vô Tranh và đơn vị thi công dự án cắt băng tầng chống sạt lở đất, đá tại thôn Ao Vè, xã Vô Tranh khắc phục hậu quả do khai thác vượt phạm vi ranh giới dự án được cấp phép. Chỉ đạo UBND xã Vô Tranh và đơn vị thi công thực hiện khai thác, vận chuyển khoáng sản theo nội dung giấy phép được UBND tỉnh cấp; nếu còn tiếp tục vi phạm các nội dung được cấp phép và các quy định của pháp luật có liên quan, UBND huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi giấy phép.

Tuy nhiên, sau khi UBND báo cáo Ban Nội chính tỉnh ủy, không những việc này không dừng lại, mà còn diễn ra công khai hơn như thách thức, có dấu hiệu “nhờn luật” với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang.

Video các xe tấp nập hạ tải ở các bến thủy nội địa.

Sau nhiều tháng tìm hiểu, phóng viên thấy rằng, các xe tải chạy tấp nập từ dự án khai thác trên chỉ đưa vào Nhà máy Phương Sơn với số lượng rất “nhỏ giọt”. Mà đa phần đất được khai thác chuyển về các bến thủy nội địa. Đầu tiên, đất khai thác được chuyển đến bến thủy của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Phong Lưu trên địa bàn xã Mỹ An (Lục Ngạn, Bắc Giang), sau đó tiếp tục được chuyển đến bến thủy nội địa không phép tại thị trấn Đồi Ngô. Tất cả đều được hạ tải xuống thuyển để đưa đi các nơi khác.

Chính quyền huyện Lục Nam ở đâu khi để tình trạng này tái diễn và công khai hơn? Liệu có “lợi ích nhóm”?

Ngày 08/9/2022, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Vô Tranh được ông Bùi Quang Chúc – Chủ tịch UBND xác nhận: dự án cắt tầng trên được giao cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Vũ Hoàng, ông khẳng định dự án này nguyên mốc và không biết có căn cứ nào mà nói rằng là sai mốc. Sau đó, ông Chúc cũng chỉ đạo ông Đốc, công chức địa chính xã để trao đổi rõ hơn với phóng viên. Khi được hỏi về phương án hoạt động của dự án, ông Đốc cho biết, hiện một bản lưu Ban Nội chính Tỉnh ủy đang giữ – “mượn”, do trước đây có đoàn kiểm tra về dự án, nên hiện tại văn bản không có tại xã.

Ông Chúc khẳng định như vậy, nhưng thực tế sai phạm lại được Ban Nội chính tỉnh uỷ chỉ ra để yêu cầu UBND huyện Lục Nam báo cáo?

Ngày 13/9/2022, phóng viên đã đến UBND huyện Lục Nam để đặt lịch làm việc và liên hệ với ông Toán – Phó Chủ tịch huyện nhưng không nhận được phản hồi. Sau nhiều ngày không có phản hồi thông tin, chúng tôi đã tiếp tục liên hệ với ông Liêm – Chánh Văn phòng UBND huyện và ông Toán nhưng cũng không nhận được thông tin rõ ràng về kết quả xử lý vụ việc. Ông Liêm trao đổi rằng: “nhận được thông tin của các anh thì sau đó chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, bởi vì trước huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, công an huyện rồi”.

Video đoạn trao đổi với Chủ tịch UBND xã Vô Tranh và công chức địa chính xã.

Các cơ quan của tỉnh, báo chí và người dân tại đây đều biết sự việc đang tiếp diễn, nhưng không hiểu chính quyền nơi đây lại “ngó lơ” như không có chuyện gì xảy ra, ngay cả khi thông tin được các cơ quan báo chí đưa tin.

Trong báo cáo UBND huyện Lục Nam nói rõ, việc vận chuyển qua đường thuỷ nội địa ra ngoài điểm đổ được cho phép là do trong quá trình thi công cắt băng tầng có via đá cứng xen kẹp vỉa đất và trên bề mặt khu vực cắt băng tầng có lẫn sỏi đá là đất san lấp, không làm nguyên liệu sản xuất gạch được, do vậy Nhà máy gạch Phương Sơn không nhận; mặt khác trên địa bản xã Vô Tranh và khu vực lân cận thời điểm hiện tại không có dự án được triển khai thực hiện.

Liệu đây có phải là báo cáo chính xác, hay UBND huyện đang “che đậy”, báo cáo qua loa. Thời điểm hiện tại, huyện Lục Nam đang trên đà phát triển, xây dựng nhiều công trình và nhu cầu về đất san lấp là rất nhiều. Không có chuyện báo cáo của UBND huyện là xã Vô Tranh và khu vực lân cận không có dự án triển khai, nên mới hạ tải xuống tàu qua các bến thuỷ nội địa.

Câu trả lời này có “hợp thức hoá” cho việc, sau báo cáo của UBND huyện mà Công ty Vũ Hoàng tiếp tục vận chuyển đất qua một bến thuỷ nội địa khác tại thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam để đưa đi nơi khác.

Chính quyền xã thông tin không chính xác cho báo chí, UBND huyện báo cáo qua loa, cho xong chuyện, hay có “lợi ích nhóm” mà UBND huyện để tình trạng này ngang nhiên diễn ra hết ngày này qua ngày khác?

Việc phớt lờ này có phải để doanh nghiệp cố tình khai thác tận thu, hay trốn thuế, “trộm cắp” tài nguyên hay làm trái pháp luật?

Câu trả lời xin dành cho các cơ quan hữu quan của tỉnh Bắc Giang như UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xử lý các sai phạm nếu có?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về việc ai là người đứng sau mọi hoạt động khai thác, vận chuyển, có cán bộ nào của huyện tham gia vào việc này hay không?

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích