Khai thác đất Lục Nam – Bắc Giang: Giấy phép một đằng, làm một nẻo
Theo thông tin tìm hiểu, các xe tải “ăn đất” tại dự án thi công cắt tầng, chống sạt lở đất, đá thuộc khu vực thôn Ao Vè, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Vũ Hoàng khai thác khoáng sản (đất sét gạch) thực hiện, theo Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 16/6/2022 do Phó Chủ tịch UBND Lê Ô Pích ký phê duyệt cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Quyết định nêu rõ: diện tích khai thác là 0.43 ha, trữ lượng khai thác là 34.877 m3, mức sâu khai thác: theo hồ sơ thiết kế dự án đã phê duyệt (mức sâu tầng kết thúc đến cốt + 23 m và cao hơn nền nhà bà Nguyễn Thị Thưa liền kề dự án bình quân 0,5 m), thời hạn khai thác đến 01/10/2022.
Dự án khai thác để làm nguyên liệu gạch cho Nhà máy gạch Tuynel Phương Sơn có địa chỉ tại thôn An Thịnh, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam (gọi tắt là Nhà máy Phương Sơn). Tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng quy định tại giấy phép này và hồ sơ thiết kế dự án đã phê duyệt, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Phải báo cáo đúng sản lượng khai thác cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; trong quá trình khai thác đất, nếu phát hiện có khoáng sản khác có ích đi kèm phải dừng ngay việc khai thác, đồng thời có văn bản báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Tuy nhiên sau nhiều tháng tìm hiểu cho thấy, các xe tải chạy tấp nập từ dự án trên chỉ đưa vào Nhà máy Phương Sơn với số lượng rất “nhỏ giọt”. Mà đa phần đất được khai thác chuyển về các bến thủy nội địa không phép. Đầu tiên, đất khai thác được chuyển đến bến thủy không phép trên địa bàn xã Mỹ An (Lục Ngạn, Bắc Giang), sau đó tiếp tục được chuyển đến bến thủy nội địa không phép tại thị trấn Đồi Ngô. Tất cả đều được hạ tải xuống thuyển để đưa đi các nơi khác. Ngoài ra, theo quan sát, việc khai thác của dự án tại đây còn “có dấu hiệu” khai thác quá trữ lượng, quá mốc giới.
Phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Vô Tranh được ông Bùi Quang Chúc – Chủ tịch UBND xác nhận: dự án cắt tầng trên được giao cho Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Vũ Hoàng. Sau đó, ông Chúc cũng chỉ đạo ông Đốc, công chức địa chính xã để trao đổi rõ hơn với phóng viên. Khi được hỏi về phương án hoạt động của dự án, ông Đốc cho biết, hiện một bản lưu Ban Nội chính Tỉnh ủy đang giữ – “mượn”, do trước đây có đoàn kiểm tra về dự án, nên hiện tại văn bản không có tại xã.
Với những gì tận mắt chứng kiến về việc biến dạng địa hình, với số lượng xe tải hàng chục tấn vận chuyển ngày đêm, phóng viên thấy dự án này có dấu hiệu khai thác quá trữ lượng và quá mốc giới. Nghiêm trọng hơn, việc không đưa đất vào đúng vị trí điểm đổ như theo quyết định cấp phép là chưa đúng quy định của pháp luật.
Vậy ai sẽ là người được hưởng lợi từ việc này? Có hay không dấu hiệu của lợi ích nhóm? Việc mua bán đất (nếu có) trái phép sẽ được hợp thức hóa như thế nào?
Với những thông tin trên, kính đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Nam và các cơ quan hữu quan của tỉnh sớm vào cuộc thanh, kiểm tra dự án để làm rõ đưa ra một kết luận cách khách quan, minh bạch.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu