Khai mạc Phiên họp thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới tại New Delhi, Ấn Độ

Khai mạc Phiên họp thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới tại New Delhi, Ấn Độ

Tối 21/7 (theo giờ địa phương) phiên họp thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới đã được khai mạc tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Tham dự phiên họp có Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay cùng hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia trên thế giới.

Diễn ra từ 21- 31/7, Phiên họp này sẽ là cơ hội để nước chủ nhà Ấn Độ làm nổi bật di sản văn hóa phong phú, nền văn minh lâu đời, sự đa dạng về địa lý, các điểm đến du lịch và sự phát triển hiện đại trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Modi đã công bố khoản đóng góp 1 triệu USD của Ấn Độ cho Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO. Theo ông, Ấn Độ coi bảo tồn di sản toàn cầu là trách nhiệm của mình và do đó, đang hỗ trợ công tác bảo tồn di sản không chỉ ở trong nước mà còn tại các quốc gia Nam Bán cầu. Chẳng hạn, Ấn Độ đang hỗ trợ bảo tồn di sản Angkor Wat ở Campuchia.

tm-img-alt
Họp báo thông tin về Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới tại New Delhi, Ấn Độ (PIB)

Thủ tướng Modi nêu rõ khoản tiền đóng góp nói trên sẽ được sử dụng để xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và bảo tồn di sản thế giới. Bên cạnh đó, ông cho hay “một chương trình đào tạo chứng chỉ về quản lý di sản thế giới cũng đã bắt đầu được triển khai ở Ấn Độ dành cho các chuyên gia trẻ tuổi”.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng Modi cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng phát huy di sản của nhau. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta hãy đoàn kết để mở rộng tình cảm phúc lợi của con người. Thế giới cũng đã chứng kiến thời kỳ mà di sản bị bỏ qua trong cuộc đua phát triển, nhưng trong thời đại ngày nay, mọi người nhận thức rõ hơn nhiều (về giá trị của di sản)”.

Thủ tướng Modi khẳng định tầm nhìn của Ấn Độ là vừa phát triển vừa bảo tồn di sản. Ông chia sẻ: “Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã chạm tới những khía cạnh mới của sự phát triển hiện đại và cũng cam kết tự hào về di sản của mình. Có thể là Hành lang Vishwanath ở Kashi, việc xây dựng Đền Ram ở Ayodhya, hay khuôn viên hiện đại của Đại học cổ đại Nalanda. Nhiều công trình như vậy đang được triển khai trên khắp đất nước. Ngày nay, lợi ích của Ayurveda (tri thức cuộc sống) đang lan rộng ra toàn thế giới, nhưng đó là di sản khoa học của Ấn Độ”.

Theo Thủ tướng Modi, di sản của Ấn Độ không chỉ là lịch sử mà còn là khoa học. Ông diễn giải: “Có nhiều trung tâm di sản khác nhau trên thế giới, nhưng Ấn Độ cổ xưa đến mức mỗi điểm của hiện tại đều kể lại một câu chuyện về quá khứ huy hoàng. Thế giới biết đến Delhi là thủ đô của Ấn Độ, nhưng thành phố này cũng là trung tâm di sản hàng nghìn năm tuổi. Ở đây, cứ mỗi bước chân, bạn sẽ được chứng kiến di sản lịch sử. Cách đây (nơi diễn ra phiên họp) khoảng 15 km có một cây cột sắt nặng hàng tấn đã sừng sững ngoài trời 2.000 năm mà không bị gỉ sét (kỳ quan Qutub Minar). Di sản này cho thấy ngành luyện kim của Ấn Độ đã tiến bộ như thế nào vào thời điểm đó. Rõ ràng di sản của Ấn Độ không chỉ là lịch sử mà còn là khoa học”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng thông báo địa điểm lịch sử Maidam ở bang Assam, Đông Bắc Ấn Độ, đã được đề xuất đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Nếu được thông qua, đây sẽ là di sản thứ 43 của Ấn Độ và là di sản UNESCO đầu tiên ở khu vực Đông Bắc nước này.

Dự kiến, trong phiên họp kéo dài 11 ngày, các đại biểu sẽ xem xét 27 đề cử vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, bao gồm 19 địa điểm văn hóa, 4 địa điểm tự nhiên và 2 địa điểm hỗn hợp. Ngoài ra, các đại biểu sẽ báo cáo tình trạng bảo tồn của 124 di sản thế giới hiện có, thảo luận về hỗ trợ quốc tế và việc sử dụng Quỹ Di sản Thế giới, cùng nhiều vấn đề khác.

Ủy ban Di sản Thế giới họp mỗi năm một lần và chịu trách nhiệm quản lý mọi vấn đề liên quan đến di sản thế giới và quyết định các địa điểm được ghi vào Danh sách di sản thế giới. 

Bên lề cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới cũng sẽ tổ chức Diễn đàn Chuyên gia Trẻ về Di sản Thế giới và Diễn đàn các Nhà quản lý Di sản Thế giới.

Đại Phong (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích