Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc
(Xây dựng) – Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.
Quan đám Nguyễn Tiến Thu đọc Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ năm 1010. |
Giáo dục thế hệ trẻ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Đền Đô là một trong những lễ hội linh đình nhất của tỉnh Bắc Ninh xưa và nay. Lễ hội được tổ chức từ ngày 14-16/3 âm lịch hàng năm, nhân kỷ niệm ngày Vua Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập ra Vương triều Lý, lấy hiệu là Thái Tổ (15/3 năm Canh Tuất – 1010).
Tương truyền, xưa kia là ngày tốt lành, chính Ngọ đắc tâm linh, Lý Thái Tổ làm lễ tế trời, đặt niên hiệu Thuận Thiên mong thiên hạ thái bình, lấy Quốc hiệu là Đại Cồ Việt và ban Chiếu dời đô; lễ hội được tổ chức còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Đặt biệt năm nay, lễ hội đón hơn 1.500 người tham dự, trong đó có sự tham dự của lãnh đạo huyện Bonghwa (Hàn Quốc), đại diện dòng họ Lý ở Hàn Quốc, các địa phương kết nghĩa, có liên quan đến Triều Lý cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn với phần lễ trang nghiêm. Điểm nhấn của phần lễ là đoàn rước kiệu Đức Thánh Mẫu và các kiệu Vua triều Lý theo nghi thức truyền thống từ chùa Ứng Tâm (chùa Dận) về đền Đô.
Đoàn rước kiệu Đức Thánh Mẫu và các kiệu vua triều Lý tiến vào đền Đô. |
Phần hội được diễn ra tưng bừng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: Giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc; hát dân ca Quan họ trên thuyền, trong lán; thi cờ tướng, tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi nam, bóng bàn, đấu vật, đập niêu đất, bịt mắt bắt lợn, đi cầu khỉ; thi gói bánh phu thê, thi nấu cơm niêu đất; giao lưu thơ ca, thể dục dưỡng sinh; thả chim bồ câu bay, bắn pháo hoa…
Năm nay, lễ hội đón hơn 1.500 người tham dự, trong đó có sự tham dự của lãnh đạo huyện Bonghwa (Hàn Quốc), đại diện dòng họ Lý ở Hàn Quốc… |
Để đảm bảo lễ hội diễn ra thuận lợi, an toàn, năm nay, Ban tổ chức đã phân công cho từng tiểu ban thực hiện và chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, bố trí không gian tổ chức các trò chơi vui khỏe, lành mạnh…
Nhằm tránh việc trục lợi, ép giá, hay tình trạng chèo kéo khách hàng, Ban tổ chức yêu cầu các cơ sở, hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực lễ hội ký cam kết bán đúng giá, đúng chất lượng, thực hiện văn hóa ứng xử văn minh… xây dựng hình ảnh tốt đẹp về văn hoá và con người Bắc Ninh – Kinh Bắc trong lòng du khách khi đến với lễ hội.
Trước những công lao to lớn của các bậc tiền nhân, cùng với lòng thành kính, nhiều người con từ khắp mọi miền đất nước và từ nước ngoài đã trở về với cội nguồn, hòa mình với thiên nhiên, tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc và thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ, tôn vinh các vị Đế Vương – Thuỷ tổ của Vương triều Lý.
Đền Đô có tuổi đời gần 1.000 năm, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý – là một trong Bát tổ của tỉnh Bắc Ninh. Trước đền là một khu rừng Báng và dòng sông Tiêu Tương chảy quanh co. |
Vùng đất “địa linh nhân kiệt”
Đền Đô là ngôi đền có tuổi đời gần 1000 năm, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý (là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông).
Đền còn có tên gọi khác là đền Cổ Pháp hay đền Lý Bát Đế, với thiết kế độc đáo đậm nét của kiến trúc đền, chùa Việt Nam. Đền có diện tích hơn 31.000m2, cùng 21 công trình lớn nhỏ được chia thành khu nội thành và khu ngoại thành.
Được xây dựng vào năm 1030, trên khu đất phía Đông Nam châu Cổ Pháp (ngày nay là làng Đình Bảng), đền Đô được xem là mảnh đất đắc địa, “địa linh nhân kiệt”. Thiền sư Lý Vạn Hạnh từng nhận định, đây là khu đất hội tụ thiên khí, nơi có rồng chầu.
Vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Công Uẩn trở về thăm quê hương sau khi đăng quang. Nhà Vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu. Sau đó Vua cho người đo mươi dặm đất để làm “sơn lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn để làm nơi tiếp đón Vua. Khi Vua Lý Thái Tông lên ngôi kế vị Vua Lý Công Uẩn, ông đã cho tu sửa lại và chọn làm nơi thờ tự Vua cha. Và cũng từ đó, nơi đây trở thành nơi thờ tự của các vị Vua nhà Lý.
Hiện nay, đền đã được tu sửa lại nhiều lần. Và lần tu sửa lớn nhất là vào năm 1602 với 21 hạng mục công trình. Năm 2014, di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Nguồn: Báo xây dựng