Khách hàng tố Công ty Kita Invest lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án Stella Mega City
Kita Invest thu đủ tiền…tránh giao nhà đất
Thông tin đến Phóng viên, bà Trần Lệ Trân (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 30/3/2021 bà có ký Thỏa thuận đặt cọc với Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Anpha (là bên ủy quyền của Công ty Kita Invest) để đặt cọc cho Công ty Kita Invest số tiền 50 triệu đồng nhằm mua nhà đất có ký hiệu nền L53-03 tại dự án Stella Mega City.
Đến ngày 6/4/2021, Công ty Kita Invest đã ký với bà Trân thỏa thuận cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở L53-05 kèm theo phụ lục.
Tiếp tục, ngày 27/4/2021 bà Trân mua nhà đất thứ hai có ký hiệu nền L57-26 nhưng để cho em gái ruột là bà Trần Lệ Cầm đứng tên giùm trên văn bản thỏa thuận chuyển nhượng.
Thực hiện theo 2 thỏa thuận cam kết chuyển nhượng trên, bà Trân đã thanh toán tiền đúng thỏa thuận cho Công ty Kita Invest kể cả trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, bà Trân chờ mãi vẫn không thấy Công ty Kita Invest thông báo về tiến độ dự án nên bà đã đi tìm hiểu thì được biết dự án có nhiều sai phạm khiến bà bức xúc.
Sau đó, bà Trân đã yêu cầu Công ty Kita Invest cho bà được dồn và gộp giá trị thanh toán của 2 lô nền thành 1 lô nền, đồng thời đề nghị Công ty Kita Invest ký hợp đồng mua bán công chứng và bàn giao nhà đất nhưng Công ty Kita Invest đã từ chối.
Nhận thấy Công ty Kita Invest có sai phạm bà Trân làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu giải quyết.
Sau khi đơn tố cáo của bà Trân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý giải quyết thì Công ty Kita Invest đã mời bà lên làm việc.
“Lãnh đạo công ty đã đồng ý cho tôi dồn và gộp giá trị thanh toán của 2 bất động sản đã mua thành 1 bất động sản và hứa với tôi sau đúng 6 tháng sẽ ký hợp đồng mua bán nhà công chứng với tôi và Công ty Kita Invest đã thuyết phục/yêu cầu tôi rút đơn tố cáo để hai bên thực hiện việc này”, bà Trân trình bày.
Vì thấy Công ty Kita Invest lúc đó có thiện chí nên bà Trân đã đồng ý. Theo đó, ngày 15/9/2023 bà Trân cùng em gái là bà Trần Lệ Cầm và Công ty Kita Invest đã ký một Biên bản thỏa thuận để các bên thỏa thuận nhằm chấm dứt thực hiện thỏa thuận mua lô ký hiệu L57-26 và cấn trừ tiền của 2 thỏa thuận thành 1 thỏa thuận.
Theo Biên bản thỏa thuận này thì các bên đã thỏa thuận với nội dung: Chấm dứt, thanh lý thỏa thuận đối với lô ký hiệu L57-26 và chuyển toàn bộ số tiền hơn 3,2 tỷ đồng đã nộp cho lô này để gộp và cấn trừ sang lô L53-05 nên tổng số tiền của lô L53-05 sau khi đã được cấn trừ và thanh toán là hơn 6,4 tỷ đồng.
Như vậy, đến ngày 15/9/2023 thì bà Trân đã thanh toán đủ 100% giá trị lô L53-05 với tổng số tiền là hơn 6,4 tỷ đồng cho Công ty Kita Invest. Đồng thời, cùng ngày bà Trân và Công ty Kita Invest cũng đã ký phụ lục gia hạn thời gian tối đa để ký kết hợp đồng công chứng mua bán nhà là 6 tháng kể từ ngày 15/9/2023.
Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn 6 tháng (ngày 15/3/2024) Công ty Kita Invest vẫn không có bất cứ một động thái nào để thực hiện nghĩa vụ ký công chứng hợp đồng mua bán nhà đất với bà Trân mặc dù bà có nhắn tin và gọi điện đến công ty này để yêu cầu nhiều lần.
Ngày 3/5/2024, bà Trân có văn bản gửi Công ty Kita Invest yêu cầu phải ký kết hợp đồng công chứng, bàn giao nhà ở và giấy chủ quyền nhà cho bà nhưng công ty này vẫn im lặng, không thực hiện.
Khách hàng tố Kita Invest lừa đảo, trốn thuế
Trước sự im lặng của Kita Invest, bà Trân đã làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan công an có thẩm quyền để chờ được thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong đơn bà Trần cho rằng, Công ty Kita Invest đã lừa dối, đi ngược lại nguyên tắc thiện chí, trung thực của pháp luật Việt Nam, dùng hàng loạt các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hơn 6,4 tỷ đồng của bà; lừa dối khách hàng và trốn thuế của Nhà nước.
Theo bà Trân, cho đến nay Công ty Kita Invest vẫn chưa cung cấp cho bà bất cứ tài liệu pháp lý nào về việc công ty này là chủ đầu tư của dự án; công ty đang có quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của căn nhà có mã ký hiệu lô L53-05 đang đứng tên công ty này mà đã đủ điều kiện giao dịch theo Điều 188 Luật đất đai 2013 và Điều 118, Điều 119 Luật Nhà ở 2013 thuộc thửa đất số 558, tờ bản đồ số 28 trong dự án.
Mặt khác, Công ty Kita Invest biết rõ nhà đất trong dự án chưa đủ điều kiện giao dịch mở bán, công ty không có quyền giao dịch, mở bán nhưng đã có hàng loạt các thủ đoạn gian dối để nhận và chiếm đoạt tiền của bà.
Cụ thể, Công ty Kita Invest đã ủy quyền cho Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Anpha để ký thỏa thuận cọc và nhận tiền cọc của bà là trái với Khoản 5 Điều 13 của Luật kinh doanh bất động sản 2014 và Khoản 8 Điều 6 của Luật nhà ở 2014.
Lợi dụng tư cách pháp nhân công ty có ngành nghề đăng ký kinh doanh bất động sản mặc dù biết rõ công ty này không phải là chủ đầu tư của dự án nhưng vẫn sử dụng/lợi dụng bất động sản trong dự án để dụ, lôi kéo bà mua sản phẩm trong dự án.
Dùng hàng loạt các loại hợp đồng, văn bản không đúng pháp luật được quy định theo Điều 120 Luật nhà ở 2014 để nhận tiền thanh toán của bà đến 100% tổng giá trị bất động sản như thỏa thuận và các điều kiện, phụ lục có liên quan. Cài cắm điều khoản, nếu khách hàng không thanh toán thì sẽ mất tiền đã thanh toán.
Công ty Kita Invest sử dụng thoả thuận theo mẫu tự chế và có đối tượng, câu từ cài cắm trái pháp luật và không rõ nghĩa để lách luật và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Đến nay dù bà Trân đã thanh toán 100% giá trị của căn nhà và đất có mã ký hiệu lô L53-05 đã bao gồm thuế VAT nhưng Công ty Kita Invest vẫn không xuất cho bà bất kỳ hóa đơn VAT nên có dấu hiệu không xuất hóa đơn để không kê khai nhằm trốn thuế theo quy định của pháp luật.
Khi đến thời hạn ký hợp đồng mua bán nhà đất công chứng vào ngày 15/3/2024 nhưng Công ty Kita Invest đã phớt lờ, không thông báo, không đi công chứng hợp đồng mua bán nhà với bà Trân; không hoàn trả cho bà toàn bộ số tiền đã nộp là hơn 6,4 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của bà Trân, Phóng viên đã liên hệ đến Công ty Kita Invest để xác nhận thông tin cũng như lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.
Theo bộ phận chăm sóc khách hàng của Kita Invest, trường hợp của bà Trần Lệ Trân đã gửi đơn lên tòa án và các cơ quan chức năng nên chỉ có bộ phận pháp chế công ty mới làm việc được. Việc cung cấp thêm thông tin đề nghị Phóng viên liên hệ với bộ phận truyền thông của công ty.
Phóng viên đã cố gắng liên hệ qua số điện thoại của ông Đỗ Hữu Phước – Giám đốc truyền thông Kita Group nhưng thuê bao không liên lạc được.
Liên quan đến đơn tố cáo của bà Trân về việc Công ty Kita Invest có dấu hiệu trốn thuế, ngày 1/7/2024, Cục thuế thành phố Cần Thơ đã có phiếu chuyển đơn tố cáo của bà Trần Lệ Trân đến Chi cục thuế thành phố Thủ Đức và Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về nội dung tố cáo ông Đỗ Xuân Cảnh (Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Kita Invest) và bà Đặng Thị Thùy Trang (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kita Invest) lừa đảo chiếm đoạt số tiền là hơn 6,4 tỷ đồng, qua nghiên cứu nội dung đơn tố giác, các tài liệu kèm theo và kết quả làm việc với bà Trần Lệ Trân ngày 26/6/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an thành phố Cần Thơ đã chuyển đơn tố cáo của bà đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết nguồn tin theo thẩm quyền.
Theo tìm hiểu, dự án Khu dân cư phường Bình Thuỷ (kho 301) được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2003 với diện tích 150,5 ha và phần mở rộng được phê duyệt chủ trương điều chỉnh năm 2016 với diện tích 10,74 ha do Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận làm chủ đầu tư; tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, kinh doanh, Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận đã thế chấp dự án cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổng cộng 2.455 quyền sử dụng đất.
Năm 2019, Công ty Cổ phần Kita Invest (thuộc Kita Group) đã mua lại 2.455 quyền sử dụng đất này từ Sacombank, sau đó đổi tên dự án thành Stella Mega City để tiếp tục chào bán ra thị trường…
Tính đến ngày 31/5/2024, Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận đang nợ thuế với số tiền hơn 625 tỷ đồng.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu