Khắc phục tồn tại trong thanh, quyết toán, chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch

Khắc phục tồn tại trong thanh, quyết toán, chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch

Sáng 31/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” họp Phiên thứ Ba

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng đoàn Giám sát điều hành Phiên họp. Dự Phiên họp có: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Đoàn giám sát; lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đại biểu tập trung cho ý kiến về nội dung, kết cấu, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó rút ra các đề xuất, kiến nghị khắc phục những tồn tại về cơ chế, chính sách liên quan đến chủ trương, đường lối, luật, nghị định, thông tư và công tác chỉ đạo điều hành.

Qua giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 cho thấy hệ thống pháp luật đang thiếu các quy định về tình huống khẩn cấp, do vậy phải sửa nhiều luật và ban hành các quy định riêng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đề xuất các giải pháp cụ thể, khắc phục nhanh nhất các tồn tại trong việc thanh toán, quyết toán, giao tài sản, trợ cấp chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn bất cập cả về nhân lực, trang thiết bị do vậy trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 cần dành nguồn lực xứng đáng cho lĩnh vực này.

Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 thiếu các quy định về tình huống khẩn cấp - Ảnh 1.
Toàn cảnh Phiên họp.

Tại Phiên họp, đa số đại biểu đánh giá cao Tổ Giúp việc của Đoàn Giám sát tổng hợp đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị trong phần khái quát chung của dự thảo Báo cáo kết quả giám sát về việc huy động, sử dụng và phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nêu rõ bối cảnh đây là khủng hoảng y tế toàn cầu, không riêng gì ở Việt Nam nên không thể dự báo, đoán định được. Vì vậy, chỉ nên đề cập đến những tồn tại, hạn chế do cách thức giải quyết vấn đề phát sinh không thể dự liệu trước. Từ đó, đưa ra giải pháp tổng thể vừa tháo gỡ được khó khăn, tồn tại trước mắt và đề ra giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài.

Một số đại biểu cho rằng, trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” cần đánh giá và nêu bật sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch COVID-19.

Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 thiếu các quy định về tình huống khẩn cấp - Ảnh 2.
Thành viên Đoàn Giám sát tham dự Phiên họp.

Một số ý kiến cho rằng, báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng cũng cần bổ sung nhận định về nhận thức của người dân trong bối cảnh hiện nay, cách thức cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Dự thảo Nghị về kết quả giám sát nêu rõ điểm nhấn để tháo gỡ vướng mắc của y tế cơ sở và y tế dự phòng, trong đó có chỉ tiêu cụ thể để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thực hiện, cơ quan dân cử giám sát.

Qua giám sát tại bộ, ngành, địa phương, thành viên Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội nêu những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng, như thiếu nhiều công cụ chính sách để hỗ trợ trạm y tế thực hiện nhiệm vụ.

Nghị quyết về kết quả giám sát cần chỉ rõ các giải pháp cụ thể, nêu rõ thời gian hoàn thành

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn Giám sát khẳng định, các ý kiến góp ý tại phiên họp rất sâu sát, cụ thể, đóng góp thiết thực vào nội dung Báo cáo và Nghị quyết về kết quả giám sát. Nghị quyết giám sát cần cân đối về nhận định tình hình, kết quả, tồn tại, hạn chế, bài học, kinh nghiệm, kiến nghị giải pháp; nội dung báo cáo thống nhất, số liệu chính xác, có tính kết nối giữa phần đánh giá về tồn tại và các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Nghị quyết về kết quả giám sát cần chỉ rõ các giải pháp cụ thể, nêu rõ thời gian hoàn thành.

Trong dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cũng yêu cầu, hoàn thành việc khắc phục các tồn tại hạn chế, bất cập trong lĩnh vực thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội (về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024) trong năm 2023.

Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 thiếu các quy định về tình huống khẩn cấp - Ảnh 3.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Lưu ý về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, trong phần mở đầu Báo cáo giám sát nêu bối cảnh dịch bệnh và bối cảnh giám sát. Bối cảnh giám sát được thực hiện khi dịch bệnh đã được kiềm chế, kinh tế có bước phục hồi và đang khắc phục một số hậu quả. 

Dịch bệnh diễn ra trên quy mô toàn thế giới, phức tạp, không dự báo được nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa tuyên truyền vừa thực hiện chính sách nên khó tránh khỏi thiếu sót.

Vì vậy, đánh giá, nhận định trong báo cáo phải có tính kế thừa, thống nhất với các chủ trương, chính sách, nghị quyết đã được ban hành từ trước; nêu rõ tồn tại, đề ra các giải pháp trước mắt và giải pháp cơ bản lâu dài với phương châm rõ việc, rõ người làm, rõ thời hạn; đối với những vấn đề chưa rõ, Quốc hội ra chủ trương, giao Chính phủ thực hiện và báo cáo Quốc hội.

Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 thiếu các quy định về tình huống khẩn cấp - Ảnh 4.
Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” họp Phiên thứ Ba.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, Tổ Giúp việc tiếp thu ý kiến thành viên Đoàn Giám sát về bổ sung vai trò của hệ thống y tế tư nhân, y tế trường học, y tế trong doanh nghiệp; đối với việc thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội dành tối thiểu 30% ngân sách cho y tế dự phòng, bổ sung vào Nghị quyết về kết quả giám sát giao Chính phủ báo cáo Quốc hội. 

Về mô hình tổ chức y tế cơ sở, trong khi chưa thống nhất cần thực hiện theo nguyên tắc Nhân dân được chăm sóc sức khỏe, cán bộ, nhân viên y tế được phát huy năng lực chuyên môn…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích