Khắc phục khó khăn, dừng đến trường nhưng không dừng học tập
Dịch bệnh phức tạp, học trực tuyến là lựa chọn tốt nhất
Thu xếp công việc cá nhân, vài ngày gần đây anh Phú Khánh, phụ huynh học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Ngọc Hà, quận Ba Đình dành thời gian hướng dẫn, theo dõi khi con bắt đầu làm quen với cách học trực tuyến. Anh Khánh cho biết, chưa vào năm học mới, nhà trường mới chỉ tổ chức lớp trực tuyến buổi tối theo thời gian thuận tiện cho phụ huynh để cùng phối hợp với giáo viên hướng dẫn học sinh; giúp học sinh lớp 1 làm quen với cách tương tác qua phương thức học trực tuyến.
Năm học 2021 – 2022, khối giáo dục tiểu học của Hà Nội có 786 trường với gần 789.000 học sinh, hơn 29.000 giáo viên; khối giáo dục THCS có 642 trường với hơn 508.000 học sinh; khối THPT có 226 trường với hơn 255.000 học sinh, hơn 14.500 giáo viên. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đã xây dựng xong kế hoạch học tập của năm học mới, sẵn sàng phương án học trực tuyến.
“Lo lắng khi con vào lớp 1 mà phải học trực tuyến là tâm trạng chung của các phụ huynh”, anh Khánh cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Khánh, phụ huynh học sinh đều nhận định dịch bệnh tại Hà Nội còn rất phức tạp, có thể kéo dài nên không thể cứ trì hoãn năm học mới được, nên học trực tuyến là giải pháp thích nghi tốt nhất với tình hình hiện tại. Phụ huynh sẽ cùng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để hướng dẫn con học trong giai đoạn đầu tiên đi học này.
Cùng có con vào lớp 1 năm nay, chị Thúy Quỳnh, quận Long Biên cho biết lớp con chị cũng đã bắt đầu có buổi học làm quen vào buổi tối, vài buổi đầu này chủ yếu giáo viên và học sinh làm quen với nhau, tạo cho các con nề nếp học tập. Nhà trường đã chọn thời điểm theo giờ thuận tiện để có phụ huynh ở nhà hướng dẫn, nhắc nhở tập trung học.
“Trong hoàn cảnh bắt buộc thì tôi cho rằng học trực tuyến là lựa chọn tốt nhất rồi, như vậy đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh”, chị Quỳnh chia sẻ.
Với kinh nghiệm đã triển khai qua nhiều đợt dịch Covid – 19 bùng phát, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã chủ động phương án dạy học trực tuyến cho năm học mới, tại một số trường dân lập trên địa bàn Hà Nội đã triển khai dạy trực tuyến cho học sinh từ đầu tháng 8. Anh Vũ Long, phụ huynh học sinh lớp 8 trường THCS Lương Thế Vinh cho biết nhà trường hiện chủ yếu học trực tuyến các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý Hóa… vào buổi sáng bằng ứng dụng học riêng của trường, kiểm tra cũng qua ứng dụng học riêng, việc học trực tuyến rất bài bản và nghiêm túc, trong các giờ học, giáo viên cũng sáng tạo các hình thức để học sinh hứng thú học tập.
Còn chị Thái Hòa, phụ huynh học sinh lớp 7 trường THPT Đoàn Thị Điểm cho biết con chị rất hứng thú với những tiết học trực tuyến vì con tương tác với các bạn và các giáo viên. Trong giờ học học sinh học rất nghiêm túc, vì giáo viên sau mỗi tiết học sẽ có kiểm tra xem học sinh tiếp thu và chuẩn bị bài đến đâu.
“Con bảo học trực tuyến vui hơn nhiều so với việc con nghỉ ở nhà dài ngày”, chị Hòa chia sẻ.
Tự tin, vượt khó bước vào năm học mới
Ngày 26/8, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021 – 2022, với yêu cầu chủ động khắc phục tác động của dịch Covid – 19, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Theo hướng dẫn này, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1, lớp 2.
Thời khóa biểu bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày, trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh. Trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em học qua chuyên mục “dạy tiếng Việt lớp 1” trên VTV7 Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng từ ngày 6/9/2021.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Đến 6/9/2021 sẽ hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3, nếu tình hình dịch Covid – 19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay. Vì vậy, các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021 – 2022.
Tinh thần của Sở GD&ĐT Hà Nội là các trường hợp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành các buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến sau đó mới triển khai kế hoạch học tập.
Chia sẻ về hình thức học trực tuyến với khối lớp 1, bà Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy cho biết, học sinh lớp 2 đến lớp 5 đã cơ bản quen với hình thức học trực tuyến nên không gặp nhiều khó khăn. Riêng khối lớp 1, để tháo gỡ khó khăn, nhà trường dự kiến tổ chức họp phụ huynh vào cuối tháng 8 để xác định thời gian học tập phù hợp và các biện pháp cần hỗ trợ học sinh.
Nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học thích ứng với diễn biến của dịch, kể cả phương án dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1, thời gian đầu năm học để học sinh làm quen cách tương tác với thầy cô và bạn bè qua thiết bị điện tử, sau đó triển khai dạy tập đọc, làm toán; việc dạy tập viết sẽ triển khai sau.
Năm học mới 2021 – 2022 đang cận kề trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp, đối huyện Ba Vì, việc triển khai học trực tuyến cho năm học mới cũng đã sẵn sàng. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, huyện có 12,4% dân số là dân tộc ít người, trình độ dân trí không đồng đều. Ba Vì hiện có 112 trường từ mầm non đến THCS, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khoảng 5,23%.
Trước thực trạng còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu các thiết bị phụ vụ cho việc học tập trực tuyến, từ năm học 2020-2021, phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức phát động phong trào quyên góp, ủng hộ trong phụ huynh, nhân dân được 168 điện thoại thông minh, 47 máy tính, 15 tivi, 10 máy tính, 15 máy chiếu để giúp thầy cô và 16 học sinh Tiểu học, 14 học sinh THCS vẫn còn khó khăn. Đây là một trong các yếu tố quan trọng giúp 100% học sinh của huyện trong học kỳ vừa qua được học và kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến.
Đối với năm học này, huyện đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về nâng cao ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra trực tuyến về kỹ thuật thiết kế bài giảng, thiết lập Fanpage để tổ chức học tập từ xa, tổ chức kiểm tra trên môi trường trực tuyến… từ đó giáo viên có đủ cơ sở kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian vừa dạy học vừa chống dịch.
Hiệu trưởng trường THPT Dương Xá, huyện Gia Lâm cho biết nhà trường còn một số khó khăn trong điều kiện dạy học trực tuyến, tuy nhiên xác định thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn phức tạp, trường đã có thông báo thống nhất với phụ huynh và học sinh lớp 10 là học sinh đầu cấp về việc lập nhóm qua ứng dụng Zalo để chủ động liên lạc với phụ huynh học sinh, họp trực tuyến để thông báo cụ thể tới phụ huynh học sinh và học sinh một số công việc triển khai chủ động chuẩn bị năm học 2021 – 2022. Trường cũng xây dựng nội quy lớp học trực tuyến, bảo đảm kỷ cương, nề nếp giờ học, quản lý sĩ số học sinh.
Để giúp giáo viên ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và kiểm tra trực tuyến, quận Cầu Giấy đã tổ chức buổi giới thiệu và hướng dẫn sử dụng trang Khaothi.online trong ôn tập và kiểm tra, đánh giá trực tuyến cho các trường THCS. Ứng dụng được thiết kế như một bộ công cụ hoàn chỉnh phục vụ giáo viên, các cơ sở giáo dục cũng như nhà quản lý giáo dục các cấp dễ dàng triển khai các bài kiểm tra, đánh giá và các hoạt động giao bài tập hàng ngày cho học sinh.
Trong quá trình làm bài kiểm tra, khi học sinh thoát khỏi màn hình đang làm bài để mở trang web khác, phần mềm sẽ phát hiện và cảnh báo cho học sinh và giáo viên trông kiểm tra được biết. Sử dụng phần mềm này, công tác ôn tập và kiểm tra, đánh giá trực tuyến ở các trường sẽ được dễ dàng, thuận lợi hơn ở năm học mới.
Xem bài: Khắc phục khó khăn, dừng đến trường nhưng không dừng học tập
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu