Khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với mưa lũ tại miền Trung
Khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua
Công điện nêu, từ cuối tháng 9 đến nay, các địa phương miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Hiện nay, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới, bão có thể ảnh hưởng, tiếp tục gây mưa rất lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày tới, tổng lượng mưa phổ biến 200 – 500 mm, có nơi trên 600 mm. Trong bối cảnh khu vực này vừa xảy ra mưa lớn, hồ chứa nước, sông suối đầy nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặc biệt tại các huyện có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét như Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam; Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi; Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cần tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
Khẩn trương khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, nhất là hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống cho người dân; sửa chữa, khắc phục công trình hồ đập, đê điều, tuyến đường giao thông bị sạt lở, cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để bảo đảm an toàn, chủ động ứng phó với bão, lũ.
Theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động ven biển, đảo.
Tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó: tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn…
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo chi tiết, cụ thể, chính xác nhất về áp thấp nhiệt đới/bão, mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với tàu thuyền hoạt động trên biển và hoạt động sản xuất nông nghiệp; sửa chữa, khắc phục hồ đập thủy lợi, công trình đê điều bị hư hại do mưa lũ; vận hành điều tiết các hồ thủy lợi bảo đảm an toàn công trình, đồng thời góp phần giảm lũ cho hạ du.
Bộ Công Thương phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, hệ thống điện và sản xuất công nghiệp; vận hành điều tiết các hồ thủy điện bảo đảm an toàn công trình, đồng thời góp phần giảm lũ cho hạ du; chủ động chỉ đạo bảo đảm cung cầu lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với các phương tiện vận tải (bảo gồm cả tàu vận tải trên biển, ven biển); phối hợp với các ngành và các địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ.
Bộ Y tế phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, hạn chế thiệt hại.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ Nhân dân phòng, chống thiên tai, sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.
Bộ Công an phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương…
Nguồn: Báo lao động thủ đô