Kêu gọi người dân Nhật Bản chuẩn bị ứng phó với siêu bão Shanshan
Kêu gọi người dân Nhật Bản chuẩn bị ứng phó với siêu bão Shanshan
Dự kiến trong các ngày 27-28/8, bão Shanshan sẽ gây gió cực mạnh cho khu vực miền Tây Nhật Bản, với sức gió mạnh nhất có thể đạt 60m/giây ở phía Nam Kyushu và Amami.
Ngày 26/8, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo bão Shanshan có thể đổ bộ vào miền Tây nước này, sớm nhất là vào ngày 28/8 tới, theo đó kêu gọi người dân, đặc biệt là những người sinh sống dọc bờ biển chuẩn bị ứng phó với gió mạnh, sóng to và mưa lớn.
Theo JMA, đây là cơn bão thứ 10 trong năm nay, được đánh giá là cơn bão mạnh, đang di chuyển về phía Tây Bắc gần đảo Amami Oshima ở Tây Nam Nhật Bản, và có thể phát triển thành cơn bão “rất mạnh” vào cuối tuần này.
Dự kiến trong các ngày 27-28/8, bão Shanshan sẽ gây gió cực mạnh cho khu vực miền Tây Nhật Bản, với sức gió mạnh nhất có thể đạt 60m/giây ở phía Nam Kyushu và Amami, trong khi sóng có thể cao tới 9m ở phía Nam Kyushu, Shikoku và Amami.
JMA dự báo một số khu vực từ phía Tây sang Đông của Nhật Bản có thể chứng kiến lượng mưa lên đến 300-400mm vào trưa 29/8, nguy cơ gây lũ lụt và sạt sở đất nghiêm trọng.
JMA kêu gọi người dân chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt chống sạt lở đất, lũ lụt ở những vùng trũng thấp, cũng như tình trạng nước sông dâng cao và tràn bờ.
Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản đã thông báo khả năng tạm dừng dịch vụ từ ngày 29-31/8 tới do lo ngại ảnh hưởng của bão Shanshan. Du khách được khuyến cáo nên cập nhật thông tin về thời tiết và hoạt động của tàu vì thời tiết có thể thay đổi bất ngờ dẫn đến gián đoạn dịch vụ kéo dài.
Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cảnh báo không chỉ đường sắt, hoạt động giao thông đường không và đường bộ cũng có thể bị gián đoạn.
Trước đó, trong tháng này, bão Ampil đã gây mưa lớn và ảnh hưởng đến hàng trăm chuyến bay và chuyến tàu tại Nhật Bản.
Theo nghiên cứu gần đây, những cơn bão hình thành trong khu vực ngày càng gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và kéo dài hơn sau khi đổ bộ vào đất liền do tình trạng biến đổi khí hậu.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị