Kêu gọi khẩn cấp ngừng khai thác đáy biển sâu
Kêu gọi khẩn cấp ngừng khai thác đáy biển sâu
Hàng nghìn nhà bảo tồn, nhà khoa học và nhà ngoại giao đã bỏ phiếu ủng hộ tạm hoãn toàn cầu đối với việc khai thác dưới đáy biển sâu.
Mới đây, tại Hội nghị của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ở Marseille, Pháp, hàng nghìn nhà bảo tồn, nhà khoa học và nhà ngoại giao đã bỏ phiếu ủng hộ tạm hoãn toàn cầu đối với việc khai thác dưới đáy biển sâu cũng như cấp phép các hợp đồng thăm dò mới.
Khai thác dưới đáy biển sâu sử dụng máy móc hạng nặng để hút các tảng đá hoặc trầm tích dưới đáy đại dương có chứa coban, mangan và các kim loại hiếm khác từ các “nốt sần” dưới đáy đại dương được sử dụng trong pin.
Theo các nhà khoa học, cho đến nay, chỉ một phần nhỏ của đáy đại dương đã được khám phá và phần lớn các loài sống dưới đáy biển sâu vẫn chưa được biết đến.
Tiến sĩ Edith Widder, nhà hải dương học chuyên nghiên cứu các sinh vật phát quang sinh học được tìm thấy ở biển sâu, chia sẻ với Reuters: “Cho phép khai thác dưới đáy biển sâu có nghĩa là đại dương sâu sẽ bị khai thác trước khi nó được khám phá”.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Liên minh Bảo tồn Biển sâu (DSCC) kêu gọi 167 quốc gia thành viên của Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) ủng hộ lệnh tạm hoãn khai thác dưới đáy biển sâu.
Thông cáo được phát cùng ngày 29/6, ngày ISA – cơ quan liên chính phủ có nhiệm vụ thay mặt nhân loại quản lý và điều chỉnh đáy biển – thông báo đảo Nauru ở Thái Bình Dương đã đưa ra một quy tắc cho phép bắt đầu khai thác biển sâu sau 2 năm.
Các quốc đảo Thái Bình Dương như Nauru và Kiribati, hợp tác với các công ty khai thác của phương Tây, đã thúc giục ISA theo dõi nhanh việc thông qua quy tắc này.
DSCC lo ngại việc khởi động quy tắc này ngay cả khi các biện pháp bảo vệ môi trường không/chưa được áp dụng sẽ khiến đáy đại dương bị tổn thương nghiêm trọng.
Các nhà khoa học và nhà bảo tồn đã chỉ trích các kế hoạch này, cho rằng có quá ít thông tin về tác động của việc khai thác dưới đáy biển sâu. Và các khoáng sản được khai thác trên đất liền nên được tái sử dụng và tái chế một cách hiệu quả trước khi chuyển hướng khai thác đáy đại dương.
Đáng chú ý là thông báo của ISA được đưa ra chỉ sau ít ngày hàng loạt bài báo trên Wall Street Journal, Bloomberg và The Guardian lên tiếng cảnh báo về các mối quan ngại liên quan đến DeepGreen và cuộc đua xuống đáy ở quy công nghiệp để kiếm lợi. Ngay khi các bài báo này được đăng tải, hơn 350 chuyên gia là các nhà chính sách và khoa học biển trên toàn thế giới đã ký vào tuyên bố kêu gọi ngừng ngay hoạt động khai thác của ngành công nghiệp này.
Matthew Gianni thuộc DSCC – liên minh gồm hơn 90 tổ chức trên toàn thế giới – cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Naura lại cho phép khai thác dưới lòng đại dương sâu thẳm trước cả khi có các quy định về môi trường. Đã đến lúc các chính phủ thành viên ISA cần ngăn cơn sốt khai thác hủy diệt này, hủy bỏ hợp đồng với DeepGreen, ngăn quy tắc mới được đưa ra, cải tổ ISA và kêu gọi dừng cách tiếp cận ngược thời đại nhằm khai thác và phá hủy tài nguyên thế giới.
Nếu một quốc gia tài trợ thông báo cho ISA rằng một công ty mà họ đã tài trợ (còn được gọi là nhà thầu) có ý định đăng ký hợp đồng để thực hiện khai thác dưới đáy biển sâu, ISA sẽ thông qua các quy tắc, quy định và thủ tục khai thác biển sâu trong vòng hai năm. Nếu các quy tắc, quy định và thủ tục không được thông qua trong vòng hai năm, ISA sẽ cấp hợp đồng tạm thời cho nhà thầu để khai thác dựa trên bất kỳ quy tắc, quy định và thủ tục tạm thời nào được áp dụng.
“Dường như ISA đã lợi dụng đại dịch toàn cầu từ đầu năm 2020 để bỏ qua việc ra quyết định bằng cách cắt giảm các quy tắc hiện hành về quy trình phù hợp, tính toàn diện và quản lý tốt. Việc khởi động quy tắc sau thời hạn 2 năm có nguy cơ làm mất uy tín của chính ISA. Thật khó tin DeepGreen và Naura lại thiếu trách nhiệm như vậy”, Luật sư quốc tế Duncan Currie bày tỏ.
Nếu được cho phép, việc khai thác dưới đáy biển sâu có thể dẫn tới phá hủy quy mô lớn các hệ sinh thái đáy biển. Trường hợp tất cả 17 giấy phép thăm dò do ISA cấp đều được cấp phép khai thác thương mại thì tác động tổng thể đến đáy biển có thể sẽ kéo dài từ khoảng 350.000 – 800.000 km2, theo ước tính gần đây của các nhà khoa học. Ngành công nghiệp khai thác bị phá hủy có thể dẫn đến khả năng mất đi các loại thuốc mới (một thử nghiệm quan trọng về COVID-19 được phát triển từ một loại enzyme phân lập từ vi khuẩn sống trong các miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển sâu) và khiến các loài tuyệt chủng trước khi chúng được phát hiện.
Các nhà khoa học cũng đang cảnh báo về những tác động tiêu cực tiềm ẩn mà khai thác biển sâu có thể gây ra đối với nghề cá bao gồm nghề đánh bắt cá ngừ cũng như các voi và các loài lặn sâu khác ở đại dương.
Naura hiện là nhà tài trợ cho NORI, một công ty con của DeepGreen – công ty đang dẫn đầu việc khai thác dưới đáy biển sâu. Động thái này có khả năng nhằm tạo điều kiện cho việc kết hợp hoặc sáp nhập DeepGreen và SPAC trị giá hàng tỷ đô la, đồng thời báo hiệu cho các nhà đầu tư tiềm năng rằng hợp đồng từ ISA với công ty sáp nhập chắc chắn được đảm bảo.
Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ, chính các thợ mỏ tiềm năng của DeepGreen cũng thừa nhận “tác động đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái đại dương không thể và có thể không bao giờ biết được hoàn toàn và chắc chắn” và rằng “tác động của việc thu thập các nốt sần đa kim dưới đáy biển đối với đa dạng sinh học toàn cầu không biết có có ít hơn so với việc khai thác cùng lượng kim loại tương tự trên đất liền không”.
DeepGreen lập luận rằng các quốc gia ở đảo Thái Bình Dương sẽ có thể thu lợi từ khai thác dưới đáy biển sâu. Tuy nhiên, nhà môi trường đảo Thái Bình Dương Taholo Kami khẳng định “đây không phải là về vấn đề tăng trưởng xanh, lợi ích của quần đảo hay các giải pháp tự nhiên, đây là việc khai thác các quốc đảo Thái Bình Dương dễ bị tổn thương và nguồn lợi nhuận ngắn hạn chỉ mang lại cho một công ty có trụ sở tại Canada cùng những nhà đầu tư của họ ở Thụy Sĩ, Đan Mạch và Mỹ. Khai thác dưới đáy biển sâu có thể hủy hoại đại dương vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng và cần có lệnh tạm hoãn khẩn cấp để đảm bảo các quốc gia có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho một đại dương lành mạnh, duy trì cuộc sống của con người”.
DSCC kêu gọi các quốc gia thành viên ISA ủng hộ lệnh cấm khai thác dưới đáy biển sâu, đồng thời khẩn thiết đề nghị ISA hủy bỏ lập tức hai hợp đồng thăm dò của các công ty dưới quyền kiểm soát của DeepGreen chứ không phải bởi các quốc gia tài trợ, và đình chỉ ngay việc cấp bất kỳ hợp đồng thăm dò mới nào.
Hiện có rất nhiều mối quan ngại về ISA bao gồm quá trình ra quyết định của cơ quan này cùng các xung đột lợi ích sẵn có và nhiệm vụ khai thác lỗi thời từ những năm 1970. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ISA đang hoạt động như một câu lạc bộ của những người khai thác mỏ thay vì là một cơ quan bảo vệ các cộng đồng ở biển sâu vì lợi ích của nhận loại. Đây cũng là lý do DSCC đang kêu gọi các quốc gia thành viên ISA chuyển từ một cơ quan khai thác biển sâu trên toàn cầu thành một cơ quan đảm bảo sự bảo vệ thích hợp cho vùng biển sâu, một trong những bể chứa đa dạng sinh học lớn nhất hành tinh./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị