Kết nối tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học và động vật hoang dã *

Kết nối tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học và động vật hoang dã *

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại cần cải thiện, trong đó có vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành và toàn thể xã hội.

Kết nối tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học và động vật hoang dã *
Ảnh minh hoạ. ITN

Thập niên 2021 – 2030 được Liên Hợp Quốc lựa chọn là Thập niên phục hồi hệ sinh thái với mong muốn mỗi quốc gia thành viên sẽ tiếp tục có những nỗ lực nhằm làm chậm và ngăn chặn quá trình suy thoái đa dạng sinh học (ĐDSH), từ đó góp phần đạt được mục tiêu phục hồi sinh thái và xây dựng một thế giới chung mà con người và các loài động thực vật hoang dã có thể chung sống hòa bình.

Với tư cách là một trong những quốc gia sớm tham gia và trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn loài và ĐDSH như Công ước Đa dạng sinh học (CBD, 1994), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR, 1989), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES, 1994), Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD, 1998), Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ĐDSH.

Cùng với chỉ đạo của các cơ quan trung ương, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chính quyền, hệ thống vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên,… cấp địa phương chính là xương sống, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn, ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã cũng như ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại cần cải thiện, trong đó vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành và toàn thể xã hội là một trong những nội dung cần được chú trọng.

Kết nối tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học và động vật hoang dã *
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thả động vật hoang dã về tự nhiên . Ảnh: hanoimoi.vn

Tổng quan về các loài thực vật, động vật hoang dã ở Việt Nam

Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước ĐDSH, Việt Nam hiện có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng loài 10.900 động vật trên cạn; khoảng loài 2.000 động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác.

Trong đó, nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của ĐDSH Việt Nam như Sao la, Cheo cheo lưng bạc, Mang lớn, Mang trường sơn, Thỏ vằn, Voi châu Á, Bò rừng, Bò xám, Hổ, Báo, Hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển, rùa cạn và rùa nước ngọt… Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife International) cũng đã xác định Việt Nam có 63 vùng chim quan trọng.

Về tính đặc hữu, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu so với các nước trong vùng Đông Dương. Trong số 21 loài khỉ có trong vùng này thì Việt Nam có 15 loài, trong đó có 7 loài và phân loài đặc hữu. Trong vùng này có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam.

Trong vòng 17 năm trở lại đây, từ năm 1997 đến 2014, dựa trên kết quả điều tra cơ bản các vùng lãnh thổ khác nhau ở Việt Nam, một số loài mới được phát hiện và mô tả, trong đó có nhiều chi, loài mới có giá trị khoa học. Con số thống kê cho thấy số loài mới được tìm thấy ở Việt Nam chiếm hơn nửa trong số các loài mới thuộc Tiểu vùng sông Mê Công (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) (WWF, 2015).

Trong tổng số 139 loài động, thực vật được tìm thấy có 90 loài thực vật, 23 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 9 loài cá và 01 loài động vật có vú. Ngoài ra, trong những năm gần đây hằng năm có tới hàng chục loài động vật, thực vật mới được mô tả (WWF, 2018). Từ năm 2014 đến 2018, có 344 loài mới gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật, đã được mô tả và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và Tạp chí Sinh học của Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước ĐDSH).

Tuy nhiên, theo thống kê số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Như loài Giải sin-hoe (Rùa hồ gươm) (Rafetus swinhoei), loài này hiện chỉ còn có hai cá thể sống được biết đến trên thế giới, trong đó có một cá thể ở Trung Quốc và một cá thể ở Việt Nam (ATP, 2023); các loài thú lớn khác như Voi (Elephas maximus), Hổ (Panthera tigris), Mèo lớn (Felidae spp.), Gấu (Ursus spp.), Tê tê (Manis spp.) cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả (Nguyễn và cộng sự, 2016).

Thêm vào đó, Sao la – một loài thú đặc hữu của dãy Trường sơn, cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, các nỗ lực điều tra, giám sát cho đến nay vẫn chưa phát hiện quần thể nào của loài ngoài tự nhiên. Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN Redlist, cập nhật đến hết năm 2022), Việt Nam có 75 (21%) loài thú, 57 (6%) loài chim, 75 (19%) loài bò sát, 53 (24%) loài lưỡng cư và 136 (7%) loài cá được liệt kê là các loài bị đe doạ (thuộc mức Cực kỳ nguy cấp – CR, Nguy cấp – EN hoặc Sắp nguy cấp – VU).

Tổng số các loài động, thực vật hoang dã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) là 882 loài, trong đó số loài động vật quý, hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 418 loài (năm 2007), thực vật quý, hiếm tăng từ 356 loài (năm 1996) lên 464 loài (năm 2007), trong đó có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao và 9 loài chuyển từ các mức nguy cấp khác nhau (năm 2004) lên mức coi như đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên (trong số 9 loài này có tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao).

Công tác kiểm kê loài năm 2016 đề xuất đưa 1.211 loài vào Sách đỏ cập nhật, bao gồm 600 loài thực vật và nấm và 611 loài động vật. So sánh với Sách đỏ năm 2007, số lượng loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng đã tăng đáng kể.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loài hoang dã và ĐDSH, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn loài và ĐDSH như Công ước Đa dạng sinh học (CBD, 1994), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR, 1989), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES, 1994), Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD, 1998).

Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã Đông Nam Á (ASEAN-WEN); Tuyên bố London, Kasane về chống buôn bán các loài hoang dã; Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) về việc tăng cường các nỗ lực hợp tác chống nạn buôn bán trái phép và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã.

Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi (2012); Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ, trong đó coi tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) là một loại tội phạm nghiêm trọng; Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó Chương Môi trường quy định, các nước cam kết thực thi đầy đủ CITES và có các biện pháp phù hợp để chống buôn bán trái phép các loài hoang dã.

Tuy nhiên, theo Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal đã được thông qua Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học diễn ra tại Canada vào tháng 12/2022, trung bình khoảng 25% các loài trong các nhóm động vật và thực vật được đánh giá đang bị đe dọa trên toàn cầu, cho thấy khoảng 1 triệu loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nhiều loài trong vòng vài thập kỷ tới, trừ khi hành động được thực hiện nhằm giảm cường độ của các nguyên nhân gây mất ĐDSH.

Nếu không có hành động phù hợp, tốc độ tuyệt chủng các loài trên toàn cầu sẽ còn tăng nhanh hơn nữa, trong khi hiện tại đã cao hơn ít nhất hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình trong 10 triệu năm qua. Sinh quyển đang bị ảnh hưởng ở mức độ chưa từng có trên mọi quy mô không gian. ĐDSH đang suy giảm nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Tình trạng này đặt ra nhu cầu bảo tồn cấp thiết và phải có sức ảnh hưởng toàn cầu để có thể làm chậm lại quá trình suy giảm ĐDSH.

Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) đưa ra mục tiêu trên toàn cầu về bảo tồn loài hoang dã cụ thể: Mục tiêu tổng quát của GBF đến 2050: Ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài nguy cấp do tác động của con người và đến năm 2050, tỷ lệ và nguy cơ tuyệt chủng của tất cả các loài giảm gấp 10 lần, đồng thời phục hồi và gia tăng quần thể các loài hoang dã bản địa.

Mục tiêu cụ thể: (GBF-4) Đảm bảo các hành động khẩn cấp nhằm phục hồi và bảo tồn các loài, đặc biệt là các loài bị đe dọa, cũng như duy trì và phục hồi nguồn gen của các loài bản địa, loài hoang dã và cả loài được thuần hóa để duy trì khả năng thích nghi của chúng thông qua mô hình quản lý bền vững và bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ, đồng thời quản lý hiệu quả các tương tác giữa con người và ĐVHD để giảm thiểu xung đột giữa con người và động vật hoang dã để cùng tồn tại; (GBF-5) Đảm bảo việc sử dụng, khai thác và buôn bán các loài hoang dã là bền vững, an toàn và hợp pháp, ngăn chặn việc khai thác quá mức, giảm thiểu tác động đối với các loài và hệ sinh thái, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh, áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, đồng thời tôn trọng và bảo vệ việc sử dụng bền vững theo phong tục của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.

Trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh. Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017), pháp luật về thủy sản (Luật Thủy sản 2004 và sửa đổi 2017), pháp luật về đầu tư-kinh doanh (Luật Đầu tư 2014, 2020), thì Luật ĐDSH năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 là văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn ĐDSH.

Để hướng dẫn thực thi các luật nêu trên, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn luật, cụ thể gồm: Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH. Dưới các Nghị định, các thông tư hướng dẫn cũng đã được các Bộ ban hành đồng bộ để bảo tồn các loài hoang dã.

Bên cạnh đó, các văn bản chính sách cũng đã được xây dựng nhằm bảo tồn ĐDSH, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể là: Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bảo tồn ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể về “Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen”; Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lầm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó bao gồm bảo vệ, bảo tồn ĐDSH các hệ sinh thái rừng, các loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Ngoài ra, các văn bản về xử lý vi phạm cũng được ban hành tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã như: Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đặc biệt, Bộ Luật hình sự 2015 và sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định các tội danh và mức độ vi phạm bị xử lý hình sự liên quan đến loài hoang dã gồm tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) và tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244), theo đó, các hành vi săn bắt, buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm từ động vật hoang dã có thể bị xử phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng đối với pháp nhân. Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành đều có quy định về các tội danh và mức độ vi phạm bị xử lý hành chính về quản lý, bảo vệ các loài hoang dã.

Để tăng cường bảo tồn và kiểm soát hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài hoang dã, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị như Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022. Trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ 9 giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp trong nước và quốc tế liên quan đến ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành trong công tác rà soát, kiểm tra các hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD dưới nhiều hình thức; đồng thời, khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán ĐVHD; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.

Kết nối tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học và động vật hoang dã *
Lần cuối cùng một cá thể Sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998. Ảnh: monre.gov.vn

Thực trạng công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã ở cấp trung ương và địa phương

Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong thời gian vừa qua đã được đẩy mạnh với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức NGOs về bảo tồn. Cụ thể: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 98-HD/BTGTW ngày 26/12/2013 về việc tăng cường tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ động thực vật hoang dã và Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW ngày 19/7/2021 về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Văn bản nhấn mạnh các nội dung nổi bật cần tuyên truyền như chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ ĐVHD, ĐDSH cùng với thực trạng và công tác bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam.

Cùng với đó, trách nhiệm của chính quyền, đảng viên, công chức, doanh nghiệp, người dân; Các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; các mô hình, xu hướng sản xuất xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh cũng là những nội dung tuyên truyền trọng tâm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thúc đẩy Diễn đàn hợp tác vì ĐVHD để huy động và điều phối sự hợp tác từ nhiều bộ, ngành hữu quan và các cơ quan đoàn thể, các tổ chức NGOs. Cụ thể như: Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho đối tượng thanh thiếu niên; Phối hợp với Hội phật giáo Việt Nam; và Huy động sự tham gia và phối hợp với các tổ chức như ENV, WWF, TRAFFIC, ATP, Four Paws International,…; xây dựng và phát hành các tài liệu truyền thông về bảo vệ loài nguy cấp không tiêu thụ trái phép các loài ĐVHD trong các chiến dịch và dịp đặc biệt như Ngày ĐDSH, dịp lễ tết…

Huy động, phối hợp với các cơ quan báo chí như với đài phát thanh, đài truyền hình để thực hiện các chiến dịch truyền thông trên VTV1, VTV2, VOV; hằng năm lồng ghép tuyên truyền bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các loài hoang dã trong việc tổ chức ngày ĐDSH, ngày môi trường thế giới và có văn bản nhắc nhở không nhận quà biếu tặng, buôn bán, sử dụng các loài nguy cấp vào các thời kỳ cao điểm của hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép các loài ĐVHD như các dịp lễ hội, Tết nguyên đán.

Cụ thể, trong các dịp Tết Nguyên đán, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng gửi văn bản đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể và UBND các tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực thi pháp luật về bảo tồn ĐDSH, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, văn bản cũng yêu cầu các cấp chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, tuyên truyền rộng rãi pháp luật về bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là các loài nguy cấp, các loài chim hoang dã di cư và không buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Tại cấp địa phương, các UBND các tỉnh, thành phố rất chú trọng công tác truyền thông trong các văn bản chỉ đạo. Cụ thể, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND 2020 tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời. Theo đó, chỉ thị yêu cầu thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD, các loài chim trời và các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài chim trời.

Năm 2021, UBND thành phố Hà Tĩnh ban hành công văn số 2280 ngày 8/9/2021 về xử lý các trường hợp săn bắt ĐVHD, chim trời. Văn bản cũng yêu cầu UBND các phường, xã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư, bảo tồn ĐDSH và không thực hiện các hành vi mua bán, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo ĐVHD trái phép.

Đối với các vườn quốc gia, công tác tuyên truyền cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức. Trong năm 2020, Vườn quốc gia Hoàng Liên, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cùng với Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về công tác cứu hộ, bảo tồn động, thực vật hoang dã cho 140 hộ dân xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa.

Tại buổi tuyên truyền, đồng bào các dân tộc thiểu số sống trong và xung quanh VQG Hoàng Liên nhận thức được tầm quan trọng của động, thực vật hoang dã với con người và hệ sinh thái; hiện trạng bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ở VQG Hoàng Liên và ở Việt Nam. Đồng thời cập nhật và chấp hành nghiêm các văn bản,quy định pháp luật về cấm săn bắt, khai thác, mua bán, sử dụng động, thực vật hoang dã.

Trong tháng 9/2022, Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, du lịch sinh thái thuộc VQG Xuân Sơn tổ chức ba hội nghị “Tuyên truyền quản lý bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường và ĐVHD trên địa bàn VQG Xuân Sơn năm 2022”.

Tham dự hội nghị có các đồng chí là Lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Lãnh đạo UBND xã Xuân Sơn, xã Kim Thượng các cán bộ chuyên môn cùng 117 người dân đại diện cho các hộ dân đang sinh sống tại 4 xóm (Lấp, Cỏi, Dù, Lạng) thuộc xã Xuân Sơn và 2 xóm (Tân Minh, Hạ Bằng) thuộc xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Kết thúc hội nghị, các hộ dân cùng nhau đồng thuận ký bản cam kết bảo vệ rừng và ĐVHD.

Trong năm nay, Vườn quốc Gia Bạch Mã vừa phối hợp với Ủy Ban nhân dân xã Sông Kôn, huyện Đông Giang tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ ĐVHD nhằm chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Quảng Nam (24/3/1975 – 24/3/2023). Chương trình bao gồm các tiết mục ca nhạc, kịch, múa. Đặc biệt, khán giả được thưởng thức cán bộ kiểm lâm viên thể hiện giả giọng các loài chim và tuyên truyền về công tác bảo vệ ĐVHD cho nhân dân. Thông qua hình thức văn nghệ, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn ĐVHD tại địa phương.

Trong năm 2022, để triển khai Chiến lược quốc gia về ĐDSH, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng hoạt động tuyền truyền, nâng cao nhận thức về ĐDSH phục vụ xây dựng Chương trình truyền thông về ĐDSH. Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay, nhiều đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, tuy nhiên, hầu như không có chiến lược rõ ràng, mà thường tự phát và tùy thuộc vào nguồn kinh phí được phân bổ/tài trợ.

Việc này đặc biệt phổ biến tại Các Vườn quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN). Một số dự án cũng đã cố gắng phân thành nhóm câu hỏi về Kiến thức, Thái độ, Hành vi, nhưng đó chỉ là các nội dung kiến thức khác nhau, chứ không phải về thái độ, hay hành vi của các nhóm đối tượng.

Chính vì vậy, hoạt động truyền thông BTTN, ĐDSH, tuy ngày càng được quan tâm nhiều hơn, vẫn là hợp phần được coi là kém quan trọng so với các hợp phần bảo tồn khác. Hầu như rất ít dự án/đơn vị chú trọng vào việc giám sát, đánh giá kết quả dự án truyền thông. Hầu như các đơn vị đã thực hiện giám sát sơ bộ với hoạt động truyền thông bằng cách theo dõi số người tham gia, nội dung hoạt động, thời gian, địa điểm hoạt động, kinh phí tổ chức. Nhưng chỉ có rất ít tổ chức có hoạt động đánh giá kết quả hoạt động truyền thông xem đã tạo ra sự thay đổi nào về nhận thức, kiến thức, thái độ, hành vi.

Đặc biệt, hầu hết các đơn vị đều chưa vận dụng được các công cụ hiện đại của thời đại 4.0. Thực tiễn làm việc với rất nhiều VQG, Khu BTTN và các Chi cục Kiểm lâm cho thấy, một số VQG, KBTTN và Chi cục Kiểm lâm đã có trang fanpage.

Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó ban đầu do các cá nhân lập nên và sau đó được VQG sử dụng như trang chính thức. Các cán bộ quản trị fanpage cũng thường là kiêm nhiệm, chưa có vị trí nào là toàn thời gian và được trả lương cho việc quản trị fanpage. Về vấn đề nguồn lực, nguồn lực thực hiện hoạt động truyền thông còn hạn chế, cả về nhân lực lẫn ngân sách. Tuy nhiên, để có thể thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, mối quan hệ tốt với địa phương và cộng đồng là yếu tố then chốt cho sự thành công của hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức.

Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH, các loài động vật hoang dã, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đã triển khai Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” (Dự án WLP), trong đó hợp phần truyền thông, nâng cao nhận thức của dự án đã tập trung vào các kênh truyền thông chính bao gồm: kênh trực tiếp, kênh trực tuyến, kênh báo chí truyền thông, kênh ấn phẩm tài liệu thông qua việc phối hợp với nhiều đối tác khác nhau và thống nhất phản ảnh các nội dung:

– Vai trò, chức năng, tầm quan trọng, vẻ đẹp của ĐDSH như nguồn vốn tự nhiên quan trọng, nền tảng góp phần bảo đảm phát triển bền vững đất nước cũng như giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Những thách thức, sức ép, mối đe dọa đến ĐDSH.

– Pháp luật về bảo tồn thiên nhiên – ĐDSH.

– Những tấm gương, sáng kiến, kinh nghiệm và hành vi tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong các hoạt động BTTN, ĐDSH.

– Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ trọng tâm của NBSAP và kết quả thực hiện cụ thể.

– Hợp tác quốc tế trong lĩnh bảo tồn ĐDSH, các hiệp định, cam kết, tuyên bố, thoả thuận, văn bản ghi nhớ giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức trên thế giới về bảo tồn ĐDSH.

– Những cơ hội tham gia thực tiễn nhằm góp phần bảo tồn ĐDSH.

Đối với kênh trực tiếp, các hoạt động phù hợp bao gồm: Tập huấn/đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ truyền thông về BTTN và ĐDSH; Hội nghị/họp dân/tập huấn; Nói chuyên, giao lưu, tọa đàm, đối thoại; Cuộc thi và hội thi (biểu diễn văn nghệ, đố vui có thưởng), chiếu phim, Triển lãm/vật trưng bày; tham quan thực tế; các hoạt động thực tế nhân sự kiện đặc biệt như: trồng cây, dọn vệ sinh, diễu hành, câu lạc bộ xanh cho học sinh, câu lạc bộ thiên nhiên vì cuộc sống cho người dân cộng đồng, xây dựng vườn trường….

Sử dụng nền tảng số trong công tác tuyên truyền

Trong thời đại công nghệ phát triển, công tác tuyên truyền này có thể thực hiện thông qua nhiều kênh kỹ thuật số hơn thay vì gặp mặt trực tiếp. Trong đó, mạng xã hội là một kênh liên lạc phổ biến của nhiều người dân. Ví dụ, Việt Nam hiện có khoảng hơn 74 triệu tài khoản Zalo, do đó, đội ngũ báo cáo viên có thể sử dụng ứng dụng này để vừa giữ liên hệ vừa tuyên truyền cho quần chúng nhân dân. Trong thời kỳ Covid-19 lây lan, nhiều phường, xã cũng sử dụng Zalo như một công cụ để giao tiếp nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp. Tương tự với các mạng xã hội khác, chính quyền địa phương và đội ngũ báo cáo viên có thể nghiên cứu mức độ phù hợp để cân nhắc khả năng ứng dụng.

Kết nối với các cơ quan, tổ chức về bảo tồn động vật hoang dã, ĐDSH

Việc kết nối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH và các loài ĐVHD là rất hiệu quả như với Hội phật giáo, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Các câu lạc bộ, hội nhóm…. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chính sách pháp luật cũng như nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi giảm nhu cầu tiêu thụ các loài ĐVHD.

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn
Phó cục trưởng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH
Bộ Tài nguyên và Môi trường
(* Tiêu đề của Chuyên trang Quản lý môi tường)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích