Kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua du lịch trực tuyến
Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện đại, việc kết nối và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua các nền tảng du lịch trực tuyến không chỉ là một giải pháp sáng tạo mà còn là một chiến lược phát triển bền vững. Điều này được nhấn mạnh trong quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2020 – 2025.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong quyết định 645/QĐ-TTg là: Tổ chức chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường”; Thiết lập mô hình trung tâm trực tuyến kết nối với các địa phương để hỗ trợ phân phối sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất Việt, hộ kinh doanh cá thể trên môi trường thương mại điện tử”.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Du Lịch Việt Nam, từ 5 năm trở lại đây thì nhu cầu tìm kiếm thông tin về các tour du lịch tăng lên nhanh chóng và gấp tận 32 lần, 42% số người tìm kiếm về địa điểm du lịch, tour hay,… 48% số người lại tìm kiếm về đặt phòng khách sạn, các khách sạn đẹp nhất. Vào mùa du lịch đạt tới mức độ cao điểm thì con số đó còn tăng lên một cách chóng mặt.
Như vậy, có thể thấy rằng, với tình hình hiện nay, thì ngành du lịch sẽ có khả năng còn phát triển hơn nữa và không ngừng vươn tới những dịch vụ và nhu cầu cao hơn.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phân phối, tiêu thụ sản phẩm địa phương, đồng thời quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt gắn với bản đồ du lịch Việt Nam, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã chủ động phối hợp với Cục Du lịch quốc gia nghiên cứu xây dựng giải pháp kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua du lịch trực tuyến.
Với lợi thế của thương mại điện tử đã giúp vận hành tiêu thụ hàng hoá khắp các tỉnh, thành phố thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử, các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đã được đẩy mạnh tiêu thụ ở nhiều địa phương.
Sẽ giải quyết được phần lớn nhu cầu mua các sản phẩm đặc trưng của vùng miền, nơi du khách ghé thăm mà không cần phải mất thời gian tự tìm hiểu hay đi tới các địa điểm buôn bán. Hướng dẫn viên (HDV) sẽ tư vấn cho khách du lịch về sản phẩm, HDV sẽ đặt hàng và nhập thông tin của khách hàng trên App…
Điều này sẽ giúp cho khách du lịch tránh được những sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc kém chất lượng trên thị trường, bởi tất cả các sản phẩm đăng ký trên App đều được kiểm soát chặt chẽ về pháp lý, cơ sở sản xuất cũng như chất lượng của sản phẩm. Từ đó, các sản phẩm địa phương đến được tay người tiêu dùng nhanh hơn, tiện hơn và chính xác hơn, không chỉ với du khách trong nước, mà khách du lịch quốc tế còn tiếp cận được nhiều hơn với sản phẩm của các vùng miền Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, việc quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt gắn với bản đồ du lịch Việt Nam sẽ là một sự kết hợp văn hóa và kinh tế hiệu quả. Sự kết hợp này không chỉ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu mà còn góp phần thúc đẩy du lịch và kinh tế địa phương, đồng thời giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu