Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh năm 2024

(Xây dựng) – Ngày 28/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh năm 2024 do Bộ Xây dựng (Việt Nam) và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông (Hàn Quốc) chủ trì. Sự kiện nhằm kết nối các doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, đô thị, hạ tầng thông minh từ đó thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững trong ngành Xây dựng.

Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh năm 2024
Ông Park Jin Hong, Tùy viên hạ tầng và giao thông, Đại sứ quán Hàn Quốc phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đại diện: Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), các đơn vị thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông (Hàn Quốc); các Hiệp hội, thành viên, các công ty Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng và đô thị thông minh.

Trước đó, ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 38/QĐ-BXD phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (VKC).

Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.

Dự án VKC được triển khai góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950) thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.

Về phía Việt Nam, Bộ Xây dựng giao cho nhiệm vụ triển khai Dự án VKC cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC), Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị liên quan. Phía Hàn quốc đơn vị chịu trách nhiệm chính là: Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS); Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH); Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA).

Học viện AMC được giao là Chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài giám sát tiến độ và chất lượng của Dự án, đồng thời cũng là đơn vị điều phối dự án.

Học viện AMC cũng trực tiếp thực hiện, khai thác và sử dụng kết quả đầu ra các Hợp phần 3 và 4 về thành lập Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng (Trung tâm VKC) và tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.

Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh năm 2024
TS.KTS Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện AMC khẳng định: “Hội nghị là chương trình giao lưu có tính thực tiễn cao”.

Phát biểu tại Hội nghị, TS.KTS Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện AMC, Giám đốc Dự án VKC khẳng định: Trong các nội dung của Dự án thì hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ thông qua Hội nghị kết nối công nghệ (VKC technical meeting) do KAIA chủ trì thực hiện là một hoạt động thường niên. Hội nghị kết nối tổ chức năm 2022, 2023 đã đạt được những thành công trong việc chia sẻ, chuyển giao và kết nối các doanh nghiệp của hai nước, hỗ trợ hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh và công nghệ xây dựng mới tại Việt Nam.

Hội nghị hôm nay là chương trình giao lưu có tính thực tiễn với các chủ đề về tình hình phát triển đô thị thông minh ở Hàn Quốc và Việt Nam, các công nghệ đô thị thông minh đã được áp dụng thành công ở Hàn Quốc. Hội nghị kết nối này nhằm xây dựng mạng lưới, khai thác những cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp của hai nước thông qua sự giao lưu, kết nối về công nghệ trong các lĩnh vực trọng tâm của đô thị thông minh và công nghệ xây dựng; tạo môi trường để các cơ quan, doanh nghiệp hai nước có thể duy trì sự giao lưu, trao đổi lâu dài vì mục tiêu hợp tác để cùng phát triển.

“Tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh của Hàn Quốc và với tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các bên, Dự án VKC cũng như Hội nghị kết nối công nghệ sẽ được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chiến lược quốc gia phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam”, TS.KTS Lưu Đức Minh khẳng định.

Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh năm 2024
Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bởi Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA) trực thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, công ty tư vấn đến từ Hàn Quốc Hebronstar và Học viện AMC. Hội nghị thực hiện đúng mục tiêu:

Chia sẻ kinh nghiệm định hướng, phát triển và thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh, công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đô thị thông minh tạo Việt Nam theo Đề án 950.

Gặp gỡ và kết nối với các công ty trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh đến từ Hàn Quốc để cùng trao đổi, thảo luận và phát triển các dự án tại Việt Nam.

Khánh thành Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (VKC), trưng bày và giới thiệu các thiết bị và hệ thống sử dụng trong phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh từ Hàn Quốc.

Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh năm 2024
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Việc tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho lĩnh vực phát triển đô thị thông minh thông qua Dự án VKC thực sự cần thiết và hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang ở bước đầu xây dựng đô thị thông minh. Dự án sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc một cách bền vững thông qua: Xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và thí điểm áp dụng quy trình công nhận đô thị thông minh; thực hiện thí điểm thành công quy hoạch tổng thể đô thị thông minh.

Đồng thời, tăng cường năng lực, trao đổi và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh để tiến tới hình thành được chuỗi đô thị thông minh trên phạm vi cả nước vào năm 2030. Kết quả của Dự án sẽ mang lại những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng trong việc triển khai Đề án 950.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích