Kết nối chuyển giao công nghệ trồng sâm của Hàn Quốc cho tỉnh Điện Biên

Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến; Chủ tịch Hiệp hội Nghệ nhân Nhân sâm Hàn Quốc Park Beom Jin; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn MHGroup, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc tại Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hằng cùng đại diện các doanh nghiệp của tỉnh Điện Biên.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ Hàn Quốc, kỹ thuật trồng, phát triển và chế biến cây sâm tại tỉnh Điện Biên.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ Hàn Quốc, kỹ thuật trồng, phát triển và chế biến cây sâm tại tỉnh Điện Biên.

Phát biểu tiếp đoàn trước khi diễn ra Lễ ký kết, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, ngày 21/3/2022 đã diễn ra Hội nghị đầu tư và phát triển giữa các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc – Việt Nam và tỉnh Điện Biên. Tại hội nghị, các sở, ngành, doanh nghiệp tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã ký biên bản hợp tác trên 3 lĩnh vực gồm: “Trồng, chế biến, chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm Điện Biên, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh”; “Chuyển giao công nghệ, phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh”; “Chuyển giao công nghệ, phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch”.

Sau khi hội nghị kết thúc, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, khảo sát, đánh giá các khu vực có tiềm năng, thích hợp với trồng và phát triển cây sâm trên địa bàn tỉnh; tổ chức đi thăm quan, học tập mô hình trồng sâm ở một số tỉnh như: Sâm Ngọc Linh ở tỉnh KonTum, Quảng Nam. Qua khảo sát, đánh giá sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 14.000 ha ở độ cao trên 1.500m có tiềm năng, thích hợp trồng và phát triển cây sâm để đưa vào quy hoạch. Trong đó, một số khu vực rừng tự nhiên núi cao thuộc huyện Mường Nhé (giáp huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đã phát hiện loài sâm Lai Châu mọc tự nhiên nhiều năm tuổi. Trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã có một số hộ gia đình, cá nhân trồng khoảng hơn 60 nghìn cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu từ 1 đến 4 năm tuổi. Hiện cây Sâm được trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, qua đó khẳng định sự thích nghi, thích hợp để trồng và phát triển cây sâm trên địa bàn tỉnh Điện Biên và mô hình này đã được Chính phủ đưa vào hạng mục “Đầu tư vùng trồng dược liệu quý” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn MHGroup Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết, MHGroup là tổ chức tư vấn, kết nối đầu tư có uy tín, hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, logistics, sản xuất và phân phối các sản phẩm tiêu dùng…. “Với vai trò là đơn vị cầu nối để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, MHGroup đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc hỗ trợ tỉnh Điện Biên để tư vấn kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc tham gia đầu tư vào đây” – bà Minh Hằng chia sẻ.

Trong đó, những cam kết đầu tư và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực công, lâm, nông nghiệp – thương mại, văn hoá thể thao và du lịch, trước hết là việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao trồng, phát triển, chế biến cây sâm sẽ thực sự giúp nâng cao đời sống của đồng bào Điện Biên và đưa mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và có tiềm năng này ngày càng phát triển lên một tầm cao mới.

Các thành viên Hiệp hội Nghệ nhân Nhân sâm Hàn Quốc khảo sát một số địa điểm có tiềm năng trồng.
Các thành viên Hiệp hội Nghệ nhân Nhân sâm Hàn Quốc khảo sát một số địa điểm có tiềm năng trồng.

Chủ tịch Hiệp hội Nghệ nhân Nhân sâm Hàn Quốc Park Beom Jin cho biết, trong chuyến thăm và làm việc này đoàn đã khảo sát một số địa điểm có tiềm năng trồng và phát triển cây sâm của tỉnh Điện Biên. Qua khảo sát cho thấy, việc trồng và phát triển cây sâm ở Điện Biên có khả năng thành công rất lớn. “Hàn Quốc là đất nước có lịch sử phát triển nhân sâm hơn 1.500 năm với những lợi ích kinh tế đem lại từ các sản phẩm nhân sâm hằng năm. Với những kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trong việc trồng, chế biến các sản nhân sâm, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ Hàn Quốc về kỹ thuật trồng, phát triển, chế biến cây sâm tại tỉnh Điện Biên, sớm đưa Điện Biên trở thành thủ phủ về nhân sâm của Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cũng như đời sống cho người dân nơi đây” – ông Park Beom Jin chia sẻ.

Tháng 3/2022, UBND tỉnh Điện Biên, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên và Công ty CP tập đoàn MHGroups đã ký Biên bản ghi nhớ xúc tiến đầu tư phát triển công, nông, lâm nghiệp công nghệ cao, thương mại, văn hóa thể thao – du lịch giữa Hàn Quốc và tỉnh Điện Biên. Tiếp nối thành công đó, theo Biên bản ghi nhớ được ký kết hôm nay (25/6), Công ty cổ phần Tập đoàn MHGroup tiếp tục triển khai các nội dung theo khung hợp tác đã ký kết với tỉnh Điện Biên trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng, phát triển chế biến sâm; đồng thời tiếp tục kết nối và thúc đẩy các doanh nghiệp, hiệp hội Hàn Quốc có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung cũng như lĩnh vực trồng sâm nói riêng tại Điện Biên. Đồng thời, phối hợp với Công ty Nolmae và các doanh nghiệp Hàn Quốc trong Hiệp hội Nghệ nhân Nhân sâm Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng sâm và đảm bảo các thủ tục quy trình trong việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng cây sâm tại Điện Biên đạt chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật trồng sâm Hàn Quốc tiên tiến và phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại tỉnh Điện Biên…

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích