Kênh đào Panama tăng mực mớn nước và lưu lượng tàu qua lại
Kênh đào Panama tăng mực mớn nước và lưu lượng tàu qua lại
Quyết định trên thể hiện nỗ lực đưa kênh đào này trở lại hoạt động bình thường sau thời gian bị ảnh hưởng do hạn hán, đồng thời duy trì việc cung cấp các dịch vụ an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho khách hàng.
Ngày 15/8, Cơ quan Quản lý kênh đào Panama (ACP) thông báo đã tăng mực mớn nước tối đa đối với các tàu ở âu thuyền Neopanamax lên 15,24 m, đồng thời sẽ tăng lưu lượng tàu được phép qua lại kênh đào này mỗi ngày từ 35 lên 36 lượt vào tháng 9 tới.
Thông cáo của ACP nêu rõ quyết định trên được đưa ra nhân kỷ niệm 110 năm hoạt động của kênh đào Panama – tuyến đường thủy nhân tạo nối hai đại dương, và thể hiện cam kết của cơ quan quản lý cũng như nhà chức trách Panama nỗ lực đưa kênh đào này trở lại hoạt động bình thường sau thời gian bị ảnh hưởng do hạn hán, đồng thời duy trì việc cung cấp các dịch vụ an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho khách hàng.
ACP hiện cho phép 35 lượt tàu qua kênh đào Panana mỗi ngày, trong đó 25 lượt tàu được lưu thông qua âu thuyền Panamax, trong khi 10 tàu vận tải hàng hóa có kích thước và trọng tải lớn được phép qua âu tàu mở rộng Neopanamax. Kể từ tháng 9 tới, số lượt tàu qua âu thuyền Panamax sẽ tăng lên 26.
Trong suốt những tháng gần đây, kênh đào Panama phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu nước do hạn hán kéo dài liên quan đến hiện tượng khí hậu El Niño, buộc ACP phải giảm dần lượng tàu thuyền lưu thông qua lại kênh đào này. Hôm 8/7, ACP thông báo kế hoạch đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD xây dựng hồ chứa nước mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nước ngọt cho người dân, cũng như cho tuyến đường thủy liên đại dương nói trên.
Được khánh thành năm 1914, kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Kênh đào này có vai trò quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ châu Á đến châu Mỹ, với lượng container được đưa qua đây chiếm khoảng 40% tổng lượng container vận chuyển từ khu vực Đông Bắc Á tới vùng Bờ Đông của Mỹ. Việc di chuyển qua kênh đào Panama cũng giúp tiết kiệm thời gian cho các hoạt động thông thương từ Mỹ đến châu Á.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị