Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030
(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).
Một góc thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao. |
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch thành phố Cần Thơ đã đề ra; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ.
Thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả
Về việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án theo Quy hoạch thành phố Cần Thơ, theo Kế hoạch, đối với dự án đầu tư công, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo đó, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của thành phố, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế; hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thông tin – truyền thông, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại năm trục động lực kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch thành phố Cần Thơ để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đô thị thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng: Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành (cả nước).
Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thành phố Cần Thơ
Với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, theo Kế hoạch, cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thành phố nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ba vùng động lực của thành phố.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ.
Nguồn lực thực hiện quy hoạch
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%, thành phố Cần Thơ dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 422,3 nghìn tỷ đồng, cụ thể:
Quyết định nêu rõ, các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn UBND thành phố Cần Thơ trong quá trình thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trường hợp cần thiết, phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu trong Quy hoạch thành phố.
UBND thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm về: (i) tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu trong hồ sơ trình phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố; (iii) tuyệt đối không hợp thức hóa các sai phạm trước đây liên quan đến các dự án ưu tiên đầu tư tại Phụ lục III (kèm theo); (iv) đối với các dự án đang xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án thuộc danh mục các dự án quan trọng dự kiến đầu tư (nếu có) chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành…
Nguồn: Báo xây dựng