Kế hoạch loại bỏ 15 GW điện than của Indonesia gặp khó
Kế hoạch loại bỏ 15 GW điện than của Indonesia gặp khó
Kế hoạch của Indonesia cho ngừng hoạt động một loạt nhà máy nhiệt điện chạy than trong 3 thập kỷ tới đang nhận được phản ứng thờ ơ từ các những người ủng hộ tiềm năng.
Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir cho biết Indonesia đặt kế hoạch loại bỏ 15 GW điện sản xuất từ than đá, chiếm khoảng 60% tổng công suất, và sẽ cần hơn 600 tỷ USD vốn hỗ trợ.
Chính phủ đã tổ chức các roadshow tới một số quốc gia, trong đó có Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cũng như một số quốc gia châu Âu, nhằm thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi năng lượng của mình. Tuy nhiên, theo ông Thohir, “không ai đáp lại lời đề nghị”. Ông Thohir cho biết thêm rằng Indonesia không muốn dựa vào phát hành trái phiếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, và Jakarta cần đầu tư từ các nước phát triển.
Chi phí, quy mô và phản ứng mờ nhạt đối với kế hoạch trên là lời nhắc nhở về những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt trong việc đưa các nước đang phát triển xa rời nhiên liệu hóa thạch. Bộ trưởng Thohir nói: “Nếu dòng vốn đầu tư vào và dòng tiền của các công ty Indonesia vẫn dương, họ có thể tự tái đầu tư vào năng lượng tái tạo”. Ông Thohir khẳng định rằng Indonesia muốn cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và phát triển năng lượng xanh. Quốc gia này đang tìm cách cắt giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch bằng cách thúc đẩy việc sử dụng bếp điện và xe điện, cũng như phát triển các nguồn năng lượng thay thế.
Ông Thohir cho hay: “Chúng tôi muốn hỗn hợp năng lượng của mình sau này bao gồm điện, dầu diesel sinh học và ethanol, giống như Brazil và Ấn Độ”. Nhằm hỗ trợ kế hoạch này, chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước sử dụng 700.000 ha đất trồng mía để sản xuất ethanol và cắt giảm nhập khẩu. Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch thúc đẩy các dự án chế biến than thành DME – một loại khí không màu có thể được sử dụng làm nhiên liệu – trong 3-4 năm tới nhằm cắt giảm 4 tỷ USD nhập khẩu khí hóa lỏng mỗi năm.
Bộ trưởng Thohir nhấn mạnh: “Chúng tôi phải đảm bảo an ninh năng lượng, và nhất trí chuyển đổi năng lượng với tốc độ của riêng mình, chứ không phải những gì mà các nước khác muốn chúng tôi làm”./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị