Kế hoạch bám trụ nghề của nhân viên môi giới bất động sản
Giới chuyên gia cho rằng để có thể tiếp tục tồn tại với nghề, môi giới cần phải lên kế hoạch bài bản hơn, thậm chí còn phải chuẩn bị bước đệm thật chắc chắn hơn sau dịch.
Tìm hướng mới
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 đã khiến cho thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào thế “đóng băng”. Tình thế này khiến cho không chỉ doanh nghiệp bất động sản rơi vào thế khó, mà trong đó, số lượng môi giới liên quan đến lĩnh vực này cũng lao đao vì bị mất việc làm.
Nhiều môi giới thậm chí 5 – 6 tháng liền không có đồng thu nhập nào, một mặt vì không có sản phẩm để bán, hoặc có sản phẩm nhưng không bán được. Một số khác thì bị chủ đầu tư nợ phí hoa hồng khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Một số môi giới tiết lộ, trên thực tế, những khó khăn mà họ gặp phải không thua kém gì các công nhân bị mất việc.
Trước tình cảnh này, các chuyên gia trong ngành khuyến cáo môi giới cần phải hết sức tỉnh táo ngay thời điểm này, bởi nếu không có cách xoay chuyển tình thế một cách tốt nhất thì môi giới rất dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí càng lún sâu hơn khi dịch qua đi.
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Các chỉ thị về giãn cách, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán. Đã có những sàn bị phá sản vì không chống đỡ được Covid-19.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa biết bao giờ sẽ dừng lại, do đó phải xác định rõ tư tưởng rằng ngành nghề môi giới bất động sản thậm chí còn có thể thê thảm hơn bây giờ.
Tận dụng “cơ trong nguy”
Bên cạnh những môi giới “rẽ lối” sang hướng mới, nhiều người vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề, đang tìm cách thích nghi với dịch. Trải qua hơn một năm đầy biến động với dịch bệnh, những môi giới này dần quen với những đợt giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, trong khi đặc thù của nghề là phải trực tiếp gặp gỡ khách hàng. Họ tự mình tìm cách thích ứng để “trụ” và sống được với nghề.
Anh Phạm Hòa – môi giới một sàn giao dịch có trụ sở tại Cầu Giấy – cho biết một năm qua, anh đã quen với những đợt dịch bệnh bùng phát bất ngờ nên đợt dịch nặng nề lần này không làm anh rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản như đợt dịch đầu.
Thời điểm hiện tại khi Hà Nội đang phải giãn cách theo Chỉ thị 16, anh và đồng nghiệp đều phải làm việc ở nhà. Do sàn anh đang phân phối một dự án ở phía Đông Hà Nội nên anh vẫn đẩy mạnh các kế hoạch marketing, tìm kiếm khách hàng.
Trong khi đó, chị Lương Huyền Trang, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, dành lời khuyên cho môi giới trong giai đoạn này, đó là hãy ngồi với nhóm và lãnh đạo của mình, để dự đoán các kịch bản xảy ra và tận dụng khoảng thời gian này tích luỹ kiến thức và kết nối khách hàng tốt hơn.
“Đừng xem dịch là giai đoạn để nghỉ ngơi, mà phải biết tận dụng các cơ hội làm việc giãn cách để tích lũy thêm kiến thức trong nghề, kiến thức về thị trường bất động sản, pháp lý các dự án, trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, tích cực tương tác với khách hàng thân thiết… để giữ mối quan hệ”, chị Trang nói.
Cũng theo vị này, nếu môi giới quá thụ động, chỉ chờ dịch qua mà không có hành động nào cụ thể thì sẽ bị rơi nhịp so với thị trường. Dịch bệnh còn có khả năng kéo dài đến tận năm 2022, kể cả sau khi dịch đã đi qua thì thị trường vẫn còn tiếp tục khó khăn, ít nhất phải mất từ 3 – 6 tháng sau dịch thì mới có thể ổn định trở lại. Do đó, môi giới phải chuẩn bị một kế hoạch dài hơi hơn, ít nhất là 12 tháng thì mới có thể trụ lại với nghề.