Jakarta: Những ngôi làng trên mái nhà
Jakarta: Những ngôi làng trên mái nhà
Từ mái nhà, chúng ta có thể xây dựng nên những khu vườn tuyệt vời ở trên đó. Ý tưởng này lại càng khả thi đối với môi trường đô thị chật chội, nơi phần lớn khoảng không đều đã được sử dụng cho mục đích thương mại và sinh hoạt.
Tại nhiều thành phố trên khắp Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu – vốn rất thiếu khoảng không ngoài trời, các kiến trúc sư và công ty xây dựng đang biến những mái nhà thành sân vườn. Nhưng ở thủ đô Jakarta của Indonesia, một nhà phát triển đô thị đã chuyển đổi tầng thượng của một trung tâm thương mại thành một vùng ngoại ô thực thụ với các ngôi nhà xinh xắn, những con đường lát đá rợp bóng cây xanh, bể bơi và sân tennis,…
Khu dân cư Cosmo Park tọa lạc trên tầng 10 của trung tâm mua sắm Thamrin City tại trung tâm Jakarta giờ trông không khác gì một chốn ngoại ô trên mặt đất. Bên trong khoảng sân thượng rộng 3 mẫu Anh (1 mẫu = 0,4 ha), người ta đã xây tới 78 ngôi nhà hai tầng với những con đường trải nhựa gọn gàng để con trẻ ngày ngày đạp xe, và người già thì thoải mái chạy bộ hoặc dắt chó đi dạo. Các cư dân của Cosmo Park có thể đánh xe lên tận nóc tòa nhà thông qua một đường dốc tương đối vòng vèo. Ngoài ra, một hàng rào thép cực kỳ chắc chắn cũng được dựng bao quanh cả khu để đảm bảo an toàn cho người và xe cộ.
Hầu hết những người đang sống tại Cosmo Park đều cho rằng nơi này an toàn và thoải mái hơn nhiều so với các cộng đồng ngoại ô thông thường. Mặc dù cư ngụ trên nóc của một tòa nhà cao tầng nhưng họ không hề cảm thấy bị cô lập như cuộc sống bên trong một căn hộ. “Nơi này thực sự quá tốt. Có rất nhiều không gian thoáng đãng để con trai tôi đi xe đạp. Nó cũng nằm tại vị trí hết sức trung tâm, vô cùng an toàn và thân thiện,” một cư dân mang tên Fazila Kapasi cho biết. Bên cạnh đó, còn một lý do khác khiến hai vợ chồng cô quyết định chuyển đến Cosmo Park từ vài năm trước: để tránh tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra ở Jakarta. “Nơi này không khác gì một ốc đảo đáng yêu,” Kapasi hào hứng. Indri Lestari, một cư dân khác tại Cosmo Park cũng có những suy nghĩ tương tự. “Mặc dù đang ở rất cao nhưng chúng tôi lại có thêm nhiều không gian và sự riêng tư. Điều này thực sự ý nghĩa đối với gia đình tôi. Chẳng hạn, con trai tôi có thể thoải mái chạy ra ngoài chơi mà không cần phải khóa cửa”.
Cosmo Park cũng không phải là ngôi làng duy nhất tọa lạc giữa lưng chừng trời tại Jakarta. Còn một khu phức hợp nhà ở sang trọng khác mang tên The Villas được xây dựng trên đỉnh của tòa nhà Mall of Indonesia ở phía Bắc thành phố.
Theo thống kê, dân số tại khu vực trung tâm Jakarta rơi vào khoảng 10 triệu người, trong khi toàn bộ vùng đại đô thị thì gấp 3 lần thế. Trước áp lực quá lớn do nhu cầu về nhà ở tăng cao, chính quyền thành phố có lẽ sẽ phải xây thêm các khu dân cư nữa trên nóc những tòa nhà cao tầng. Đối với một đại bộ phận cư dân thủ đô, cuộc sống bên dưới mặt đất đang ngày càng trở nên bất tiện do tình trạng ngập úng thường xuyên vào mỗi mùa mưa. Vấn nạn này rất khó có thể được khắc phục trong ngày một ngày hai, bởi đất nền Jakarta đang có xu hướng sụt lún do hoạt động khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, xây dựng và sản xuất. Nhưng nghiêm trọng hơn, mực nước biển tại Vịnh Jakarta đang dâng đều mỗi năm.
Jakarta là một trong những đô thị đông đúc nhất thế giới, với mật độ ngang ngửa Tokyo – xấp xỉ 14.000 người/km2. Nhưng trong khi Tokyo và các siêu đô thị khác ở châu Á đang được quy hoạch phát triển theo chiều dọc thì sự phân bố dân cư ở Jakarta, ngược lại đang diễn ra theo chiều ngang, khi mà hầu hết mọi gia đình vẫn thích được sống trong những ngôi nhà thấp tầng. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm quỹ đất và thành phố có rất ít không gian cho các dự án nhà ở giá rẻ, công viên, công trình phúc lợi,… Mật độ phủ xanh tại Jakarta hiện đang ở mức rất thấp – chỉ chưa tới 10% diện tích đất của thành phố được quy hoạch để xây công viên hay khu vui chơi mở.
Wendy Haryanto, giám đốc điều hành tại Viện Quy hoạch Bất động sản Jakarta (JPI), tin rằng hướng tiếp cận khả thi và duy nhất để giúp Jakarta trở nên đáng sống hơn là tăng cường xây dựng trên cao. Bà chỉ ra: những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hiện đang nắm giữ khá nhiều đất ở các khu vực có vị trí đắc địa, tuy nhiên hiệu suất sử dụng của chúng lại rất thấp do chủ yếu chỉ được quy hoạch cho những mục đích rất hạn chế, chẳng hạn để xây chợ hoặc bến xe,… Vì thế, Wendy đề xuất nên tận dụng khoảng không trên tầng thượng của các tòa nhà chưa khai thác hết để xây những căn hộ cho người thu nhập thấp, giống như mô hình tại Thamrin City và Mall of Indonesia.
“Đó sẽ là một giải pháp hứa hẹn mang lại lợi ích cho cả đôi bên,” bà nói. “Các công ty đại chúng sẽ thu được lợi nhuận nhờ chuyển nhượng quyền sử dụng khoảng không cho chủ đầu tư khác để xây những căn hộ cho người thu nhập thấp. Một thị trường mới khá hấp dẫn sẽ ra đời, và các gia đình, nhất là người trẻ, có cơ hội sinh sống ở thủ đô.” Wendy kỳ vọng: “Khi một bộ phận không nhỏ dân chúng chuyển nhà từ dưới mặt đất lên những căn hộ trên cao theo mô hình TOD (trường phái quy hoạch đô thị chủ trương tối ưu hóa không gian, tích hợp nhà ở, khu thương mại, nghỉ dưỡng và hệ thống giao thông công cộng), Jakarta hoàn toàn có thể dành thêm quỹ đất cho các mảng xanh – hướng tới thỏa mãn mục tiêu 30% diện tích đất của thành phố”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị