Italy nghiên cứu phát triển robot sinh học tự phân huỷ

Italy nghiên cứu phát triển robot sinh học tự phân huỷ

Robot này có khả năng di chuyển trong đất mà không cần pin hoặc bất kỳ nguồn năng lượng nào khác, được sử dụng trong nhiều công tác từ giám sát môi trường đến trồng rừng.

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Genoa, Italy đã tạo ra một robot sinh học có thể tự phân hủy mang tên I-Seed. Robot này có khả năng di chuyển trong đất mà không cần pin hoặc bất kỳ nguồn năng lượng nào khác, được sử dụng trong nhiều công tác từ giám sát môi trường đến trồng rừng.

tm-img-alt
Robot sinh học có thể tự phân hủy. Ảnh: CNN

Cấu trúc hạt của cây phong lữ Nam Phi đã truyền cảm hứng cho thiết kế của robot nhỏ bé được làm bằng vật liệu sinh học này. Hạt giống phong lữ có thể thay đổi hình dạng để đáp ứng các yếu tố môi trường như thay đổi độ ẩm. Những hạt giống này di chuyển độc lập để xâm nhập vào đất, làm tăng khả năng nảy mầm.

Các nhà nghiên cứu đã tái tạo chính xác khả năng tự nhiên của hạt giống để tạo ra một robot nhân tạo. Để bắt chước thiết kế hạt giống, các kỹ thuật như in 3D kết hợp với electrospinning (sản xuất sợi điện) và mô hình lắng đọng hợp nhất đã được sử dụng.

“Những robot phân hủy sinh học và tự sinh năng lượng này sẽ được sử dụng như những công cụ không dây để thăm dò và giám sát đất bề mặt. Cách tiếp cận lấy cảm hứng từ sinh học này đã cho phép chúng tôi tạo ra các công cụ chi phí thấp có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu tại chỗ với độ phân giải cao, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, nơi không có dữ liệu giám sát”, Luca Cecchini, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích