Italy: Bão Boris càn quét nhiều khu vực, 1.000 người phải đi sơ tán

Italy: Bão Boris càn quét nhiều khu vực, 1.000 người phải đi sơ tán

Giới chức Italy ngày 19/9 cho biết đã khẩn trương tiến hành công tác sơ tán khoảng 1.000 người đến nơi tránh trú an toàn khi bão Boris đổ bộ vào hai vùng của nước này, gây lũ lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề.

Khi di chuyển về phía Tây Âu, bão Boris ảnh hưởng đến một số vùng của Italy. Bão Boris bắt đầu tấn công hai vùng của Italy là Emilia-Romagna (ở miền Bắc) và Marche (ở miền Trung) từ ngày 18/9 (theo giờ địa phương), khiến nhiều thị trấn ngập trong nước lũ.

Trong ngày 19/9, nhiều trường học đã tạm thời đóng cửa, trong khi nhiều chuyến tàu cũng bị hủy do mưa lũ ảnh hưởng đến nhiều tỉnh trong vùng Emilia-Romagna. Nhà chức trách vùng Emilia-Romagna đã buộc phải sơ tán hơn 1.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn.

tm-img-alt
Cảnh ngập lụt ở Italy. (Ảnh: Shutterstock)

Tại thị trấn Lugo, gần thành phố Ravenna thuộc vùng Emilia-Romagna, nhà chức trách đã phải yêu cầu sơ tán toàn bộ hộ dân sinh sống ở tầng một sau khi sông Senio bị vỡ bờ. Lực lượng cứu hỏa đã sử dụng cả máy bay trực thăng để tiến hành hơn 500 hoạt động cứu hộ ở Emilia-Romagna.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Radio 24 của Italy, thị trưởng thành phố Ravenna, ông Michele De Pascale cho biết toàn vùng được đặt trong tình trạng khẩn cấp, lưu ý tình hình hiện nay tương tự trận lũ lụt xảy ra hồi tháng 5/2023.

Trong khi đó, lũ lụt và lở đất cũng đang ảnh hưởng đến các vùng lân cận là Tuscany và Marche.

Tại Ba Lan, Wroclaw – thành phố lớn thứ ba của Ba Lan – đang chuẩn bị ứng phó với nguy cơ lũ lụt cao đỉnh điểm.

Phát biểu tại cuộc họp với một nhóm ứng phó thiên tai, Thủ tướng Donald Tusk nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để tuyên bố lũ lụt tại Wroclaw đã qua đi. Do đó, các lực lượng chức năng cần thận trọng, theo dõi sát tình hình để đưa ra những dự báo chuẩn xác nhất về tình trạng của các con sông.  

Quân đội cho biết 16.000 binh sĩ cùng cảnh sát và hàng nghìn tình nguyện viên đang hỗ trợ ở khu vực này. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định hệ thống đê bao của thành phố hiện vẫn vững chắc sau các trận lũ lụt trầm trọng chưa từng thấy trong ít nhất 2 thập kỷ qua càn quét Trung Âu vào tuần này.  

Theo kế hoạch, chiều 19/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Tusk sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và nhiều lãnh đạo của các quốc gia Trung Âu khác bị ảnh hưởng do lũ để thảo luận việc viện trợ khu vực trong bối cảnh thiên tai. Cuộc gặp này diễn ra sau khi các trận mưa lớn đã gây lụt lội trên diện rộng từ Romania cho tới Ba Lan.

Theo các chuyên gia, Biến đổi Khí hậu do các hoạt động của con người gây ra đang làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn và lũ lụt.

Bão Boris đã hoành hành nhiều nước ở khu vực Trung và Đông Nam Âu trong tuần qua, gây ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn 2 thập kỷ qua ở nhiều nước.

Nhiều vùng rộng lớn tại Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã ghi nhận lượng mưa lớn bất thường. Số người thiệt mạng do các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do cơn bão này gây ra đã tăng lên ít nhất 24 người.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích