Ít nhất 15.000 người tử vong do nắng nóng ở châu Âu năm 2022

Ít nhất 15.000 người tử vong do nắng nóng ở châu Âu năm 2022

Sơn Hà –  Thứ tư, 09/11/2022 15:48 (GMT+7)

Đã có ít nhất 15.000 người ở châu Âu tử vong vì thời tiết nắng nóng từ đầu năm tới nay. Trong đó, Tây Ban Nha và Đức là 2 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7-11 cho biết từ đầu năm tới nay đã có ít nhất 15.000 người ở châu Âu tử vong vì thời tiết nắng nóng, trong đó Tây Ban Nha và Đức là hai trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay là quãng thời gian nóng nhất ở châu Âu kể từ trước tới nay, và nhiệt độ đặc biệt cao đã dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua kể từ thời Trung cổ.

Ông Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, thông báo nắng nóng đã khiến gần 4.000 người tử vong ở Tây Ban Nha trong khi số người tử vong bởi thời tiết cực đoan trong mùa hè vừa qua ở Bồ Đào Nha là hơn 1.000 người, ở Vương quốc Anh là hơn 3.200 người và ở Đức là khoảng 4.500 người.

Nguyên nhân tử vong là tình trạng căng thẳng nhiệt (heat stress) khi cơ thể không tự làm mát trước nhiệt độ môi trường. Căng thẳng nhiệt có thể dẫn đến choáng váng, kiệt sức vì nóng, chuột rút do nóng hoặc phát ban do nhiệt. Tình trạng này làm tăng nguy cơ thương vong ở người lao động, bởi nó khiến lòng bàn tay đổ mồ hôi, kính bảo hộ bị mờ và chóng mặt. Nhiều người bị bỏng khi vô tình tiếp xúc với bề mặt nóng hoặc hơi nước.

Nhóm có nguy cơ bị căng thẳng nhiệt gồm người lao động ngoài trời, người làm việc trong môi trường nóng như lính cứu hỏa, thợ làm bánh, nông dân, công nhân xây dựng, thợ mỏ, công nhân lò hơi, nhà máy. Người 65 tuổi trở lên, thừa cân, mắc bệnh tim,huyết áp cao, đang dùng thuốc, cũng có thể gặp tình trạng này.

Tiêu cơ vân là một bệnh lý liên quan đến căng thẳng nhiệt ở người đang làm việc nặng nhọc thời gian dài. Tiêu cơ vân diễn ra nhanh chóng, gây đứt gãy và chết cơ. Khi mô cơ chết đi, các chất điện giải và protein lớn sẽ được giải phóng vào máu khiến nhịp tim không đều, co giật và tổn thương thận.

Tiến sĩ Hans Kluge nhận định trong những thập kỷ tới, các đợt nắng nóng và hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ dẫn đến nhiều ca bệnh và tử vong hơn, trừ khi các quốc gia hành động quyết liệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

tm-img-alt
Nắng nóng ở Châu Âu gây ra hàng loạt vụ cháy rừng. 

Ngày 20-7, nhiệt độ ở miền đông nước Đức đã tăng lên tới gần 40 độ C, trong khi nhiệt độ ở các khu vực phía tây nước này cũng cao hơn cùng thời điểm trong các năm trước, dao động 34-37 độ C.

Đáng chú ý, tại Tây Ban Nha, nhiệt độ đã tăng tới 45 độ C ở một số khu vực, gây ra hàng chục vụ cháy rừng. Anh cũng lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt 40 độ C hôm 19-7.

Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng các đợt nắng nóng hiện nay là do biến đổi khí hậu. Việc sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch của con người như than đá, khí đốt và dầu mỏ đã khiến thời tiết nóng hơn, các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn.

Năm nay, một vùng áp suất cao di chuyển chậm đã đưa không khí nóng từ Bắc Phi tới châu Âu.

Báo cáo cho rằng tỉ lệ tử vong do nắng nóng cực độ trong tương lai sẽ ở mức cao đáng kinh ngạc, có thể tương đương với tỉ lệ tử vong do tất cả các bệnh ung thư hoặc do tất cả các bệnh truyền nhiễm khác vào cuối thế kỷ này. Nông dân, trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao hơn cả.

Cũng theo báo cáo, các thảm họa nắng nóng trong năm nay tại nhiều quốc gia như Somalia và Pakistan báo trước một tương lai với nhiều trường hợp khẩn cấp nhân đạo có liên quan đến nắng nóng gay gắt hơn, thường xuyên hơn và khốc liệt hơn, chẳng hạn như tử vong trên diện rộng, gia tăng tình trạng di cư và bất bình đẳng./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích