ISO 3834 giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm ngành hàn

 ISO 3834 là bộ tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật hàn. Ảnh minh họa.

ISO 3834 được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia từ năm 2005

Hiện nay, ngành hàn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các ngành sản xuất trong xã hội, bởi đây là ngành công nghiệp góp phần sản xuất ra máy móc, thiết bị cung cấp cho các ngành kinh tế khác. Vì vậy, xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực hàn cũng được hết sức quan tâm. Trong đó, ISO 3834 là bộ tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật hàn. Tương tự như ISO 9001, ISO 3834 cũng quy định yêu cầu cho một Hệ thống quản lý chất lượng nhưng chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bằng phương pháp hàn.

 
Tại Việt Nam, ISO 3834 đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia từ năm 2005 với số hiệu là TCVN 7506:2005, đến năm 2011 soát xét lần hai với số hiệu là TCVN 7506:2011 (hoàn toàn tương đương với ISO 3834:2005).
 

Bộ tiêu chuẩn ISO 3834 – Yêu cầu chất lượng đối với hàn nóng chảy kim loại ban hành năm 2005 gồm các tiêu chuẩn sau: ISO 3834-1: 2005 Lựa chọn mức chất lượng thích hợp; ISO 3834-2: 2005 Yêu cầu chất lượng toàn diện; ISO 3834-3: 2005 Yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn; ISO 3834-4: 2005 Yêu cầu chất lượng cơ bản; ISO 3834-5:2005 Các tài liệu cần thiết phải tuân theo để phù hợp với yêu cầu chất lượng của ISO 3834-2, ISO 3834-3 và ISO 3834-4.

Cụ thể, tiêu chuẩn ISO 3834-1 đưa ra những nét đại cương của bộ tiêu chuẩn ISO 3834 và các tiêu chí cần được tính đến khi lựa chọn mức yêu cầu chất lượng thích hợp đối với hàn nóng chảy kim loại. Các tiêu chuẩn ISO 3834-2, ISO 3834-3 và ISO 3834-4 cung cấp tập hợp các yêu cầu chất lượng đầy đủ cho quá trình kiểm tra có liên quan đến tất cả quá trình hàn nóng chảy (đối với mỗi quá trình riêng hoặc tổ hợp các quá trình).

Nhìn chung, ISO 3834 được trình bày một cách có hệ thống và toàn diện về các yếu tố, biện pháp có ảnh hưởng đến chất lượng hàn, trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và độ tin cậy cũng như nâng cao hiệu quả, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất.

Doanh nghiệp phát huy vai trò của ISO 3834

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng phù hợp tiêu chuẩn có liên quan, doanh nghiệp cơ khí chế tạo (có liên quan đến hàn như sản xuất nồi hơi, bình áp lực, chế tạo kết cấu thép, kết cấu nhà máy điện, chế tạo vỏ tàu thủy, giàn khoan,…) cần phải đáp ứng mọi yêu cầu về chất lượng trong quá trình tạo ra sản phẩm trong đó có các yêu cầu về chất lượng hàn.

Chính vì vậy, tùy mức độ rủi ro gặp phải của sản phẩm, dự án hoặc công trình mà khách hàng (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà nhập khẩu,…) có thể yêu cầu bên cung cấp, nhà thầu phụ (nhà sản xuất, chế tạo) phải đảm bảo chất lượng hàn và chứng minh được năng lực hàn của mình phù hợp với tiêu chuẩn ISO 3834 (Phần 2, 3 hoặc 4) và các tiêu chuẩn có liên quan đến hàn. Bản thân doanh nghiệp (nhà sản xuất, chế tạo) cũng có thể đạt được nhiều lợi ích trong việc nâng cao năng lực hàn khi áp dụng một cách có hiệu quả tiêu chuẩn ISO 3834.

Thực tiễn áp dụng ISO 3834 tại các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trên cả nước cũng cho thấy, bước đầu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tuy gặp những khó khăn nhất định trong tiếp cận nhưng sau đó doanh nghiệp đã dần phát huy được vai trò của hệ thống quản lý chất lượng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm đáng kể chi phí chất lượng (trong đó có chi phí sửa chữa sản phẩm sai hỏng). Đồng thời giúp doanh nghiệp cơ khí chế tạo đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài, tạo tiền đề nhằm tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn của sản phẩm cũng như nâng cao khả năng xuất khẩu các sản phẩm cơ khí.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích