ISO 14001 – tiêu chuẩn cung cấp cách tiếp cận có hệ thống để quản lý môi trường
Ưu tiên phát triển bền vững môi trường không chỉ là xu hướng mà đó là chiến lược quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự thịnh vượng của một tổ chức trong nhiều năm tới. Cân bằng tăng trưởng với quản lý môi trường là quan trọng hơn bao giờ hết khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về quy mô và tần suất.
Một cách hiệu quả để làm điều tốt cho môi trường và duy trì hoạt động kinh doanh vững mạnh là triển khai hệ thống quản lý môi trường (EMS). Các công cụ và phương pháp tiếp cận như ISO 14001 được sử dụng trên khắp thế giới bởi các tổ chức đánh giá, quản lý và cải thiện tác động đối với môi trường.
Mô hình hệ thống quản lý môi trường
Mô hình EMS là một khuôn khổ chính sách, thủ tục và thực tiễn giúp các tổ chức quản lý và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nó cung cấp cách tiếp cận có cấu trúc để xác định, đánh giá và giảm thiểu tác động môi trường.
Mục tiêu chính của EMS là đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường; Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; Giảm chất thải và ô nhiễm tối thiểu; Cải tiến liên tục hiệu suất môi trường.
Có nhiều ví dụ khác nhau về hệ thống quản lý môi trường nhưng một trong những ví dụ được biết đến nhiều nhất và sử dụng rộng rãi nhất là ISO 14001. Tiêu chuẩn quốc tế này cung cấp cách tiếp cận có hệ thống để quản lý môi trường và được công nhận trên toàn cầu.
ISO 14001 cung cấp các tiêu chí cho EMS mà tổ chức có thể sử dụng để xác định, theo dõi và nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường, thực hiện nghĩa vụ tuân thủ và đạt được các mục tiêu môi trường của mình. Tiêu chuẩn này có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần bởi bất kỳ tổ chức nào, bất kể quy mô hoặc ngành nghề muốn tăng cường hành động vì môi trường của mình; cho dù đó là bằng cách cải thiện tính bền vững của sản phẩm, hoạt động của công ty hay dịch vụ mà công ty cung cấp.
Các công cụ và phương pháp tiếp cận như ISO 14001 được sử dụng trên khắp thế giới. (Ảnh minh họa)
ISO 14001 dựa trên mô hình cải tiến liên tục Plan-Do-Check-Act (PDCA). Thông qua chu trình PDCA, doanh nghiệp có thể đón đầu nhu cầu và mong đợi đang thay đổi về môi trường. Họ có thể xác định các lĩnh vực cần cải thiện, thực hiện giải pháp đổi mới và theo dõi tiến trình hướng tới các mục tiêu môi trường. Quá trình lặp đi lặp lại này đảm bảo EMS vẫn hoạt động hiệu quả và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của tổ chức.
Các bước thực tế để triển khai EMS thành công
Việc triển khai EMS có vẻ khó khăn nhưng với một kế hoạch rõ ràng và sự tham gia của các bên liên quan, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tích hợp thành công phương pháp quản lý môi trường vào hoạt động của mình. Các bước sau đây có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu hữu ích:
Thứ nhất, đánh giá tác động môi trường: Các tổ chức nên tiến hành đánh giá môi trường để xác định các khu vực mà họ có tác động đáng kể nhất đến môi trường. Điều này sẽ giúp họ ưu tiên những nỗ lực của mình và đặt ra mục tiêu để cải thiện.
Thứ hai, thiết lập các mục tiêu quản lý môi trường: Dựa trên kết quả đánh giá về môi trường, doanh nghiệp nên đặt ra mục tiêu cụ thể và có thể đo lường phù hợp với mục tiêu của mình. Những mục tiêu này có thể liên quan đến việc giảm chất thải, bảo tồn tài nguyên hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ảnh minh họa.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch thực hiện: Doanh nghiệp nên lập một kế hoạch chi tiết, trong đó nêu rõ các hành động cần thiết để đạt được mục tiêu quản lý môi trường của mình. Kế hoạch này nên bao gồm các mốc thời gian, các bên chịu trách nhiệm và các nguồn lực cần thiết.
Thứ tư, thu hút nhân viên: Các tổ chức nên thu hút nhân viên của mình bằng cách truyền đạt tầm quan trọng của EMS và vai trò của họ đối với sự thành công của nó. Các doanh nghiệp nên đầu tư vào đào tạo và nguồn lực để đảm bảo rằng mọi người hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào sự bền vững môi trường.
Thứ năm, triển khai hệ thống giám sát và báo cáo: Các doanh nghiệp nên áp dụng hệ thống để theo dõi và đo lường tiến độ hướng tới các mục tiêu. Thường xuyên xem xét và phân tích dữ liệu để xác định các lĩnh vực cần cải thiện và tôn vinh thành công nên là những hành động chính.
Thứ sáu, cải tiến liên tục: Các tổ chức nên sử dụng chu trình PDCA để liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động môi trường của mình. Đặt mục tiêu mới, thực hiện các biện pháp, theo dõi tiến độ và thực hiện điều chỉnh cần thiết, tất cả những điều này đảm bảo EMS vẫn hoạt động hiệu quả và phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
Hà My