iPhone 16 dính lỗi tắt nguồn, Apple vẫn… im lặng
Anh Thành Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mới mua iPhone 16 Pro Max được 5 ngày nhưng máy liên tục tự khởi động không rõ nguyên nhân. “Tôi đã thử reset, cài đặt lại toàn bộ, tình trạng đỡ hơn nhưng vẫn xuất hiện. Cửa hàng đã kiểm tra và nói đây là lỗi Panic Full, cần chờ thêm một thời gian vì chưa có cách khắc phục triệt để, nhưng không cho đổi máy mới”, anh kể.
Trên nhiều hội nhóm sử dụng iPhone ở cả Việt Nam và thế giới, các chủ đề liên quan đến lỗi Panic Full của iPhone 16 đều đang thu hút hàng trăm lượt bình luận, một số người bày tỏ sự khó chịu hoặc hoang mang. Trong khi đó, Apple chưa lên tiếng về sự cố.
Panic Full là tình trạng điện thoại tự khởi động lại dù đang hoặc không sử dụng, cũng như tắt nguồn đột ngột, với tần suất không giống nhau. Không như hiện tượng treo ứng dụng, Panic Full ảnh hưởng tới hệ thống, dẫn đến treo toàn bộ máy. Nguyên nhân có thể do cả phần cứng, phần mềm hoặc sự cố với firmware.
Một cửa hàng bán lẻ thiết bị Apple tại Hà Nội cho biết, trong hơn hai tuần đã tiếp nhận gần 30 trường hợp lỗi Panic Full, đa số là iPhone 16 Pro Max, có thể do tỷ lệ mua phiên bản này cao nhất. Một hệ thống bán lẻ khác cũng ghi nhận hàng chục khách hàng tới trung tâm bảo hành vì lỗi tương tự. “Panic Full cũng xuất hiện trên iPhone thế hệ cũ nhưng số lượng rất ít trong khi chủ yếu là iPhone 16”, đại diện đơn vị này nói.
Dòng báo lỗi Panic Full trên một chiếc iPhone 16 Pro Max.
Các bên đều cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng nhưng chưa có phương án chính thức cho việc khắc phục, bảo hành.
“Các máy đều cài sẵn iOS 18 cho thấy có khả năng phần mềm hệ thống xung đột phần cứng gây ra lỗi”, Ngọc Linh, thợ sửa iPhone với hơn 10 năm kinh nghiệm, nhận định. Anh cho biết một số máy khi nâng cấp lên bản iOS 18 beta mới nhất không còn gặp hiện tượng này, nên có thể Panic Full là do phần mềm. Tuy nhiên, nếu do phần cứng, nhiều khả năng sẽ phải thay mainboard.
Việc chưa xác định nguyên nhân chính xác khiến nhiều thợ e ngại xử lý lỗi. “Trong trường hợp do phần cứng, việc can thiệp có thể làm mất bảo hành máy, gây tốn kém cho người dùng. Nếu do phần mềm, người dùng cần chờ Apple ra bản nâng cấp”, anh Linh nói.
Người dùng có thể xóa cài đặt, nâng cấp lên iOS 18 mới nhất để khắc phục. Nhiều cửa hàng khuyên không nên tự ý can thiệp phần cứng bởi sẽ bị mất bảo hành, gây khó cho các quy trình sau này.
Bên cạnh đó, Màn hình iPhone 16 và 16 Plus có khả năng hiển thị tốt, nhưng tần số quét chỉ 60 Hz. Đây là nhược điểm vì trong năm 2024, ngay cả điện thoại Android tầm trung cũng đã có màn hình từ 90 Hz trở lên. Tần số quét thấp ảnh hưởng đến trải nghiệm, làm cho máy chuyển động chậm hơn so với màn hình 120 Hz.
iPhone 16 chỉ có hai camera với góc tiêu chuẩn và góc siêu rộng, không có ống kính tele zoom quang 5x để chụp xa hoặc tạo hiệu ứng chụp chân dung. Tuy nhiên, cảm biến chính 48 megapixel vẫn có thể giả lập zoom quang 2x trong chế độ chụp chân dung và tạo hiệu ứng xóa phông nền.
iPhone 16 và 16 Plus ít được ưa chuộng hơn các dòng Pro, nên không bị đội giá cao. Sau hai tuần ra mắt, iPhone 16 thậm chí được bán rẻ hơn giá niêm yết 22,5 triệu đồng, trong khi 16 Pro Max vẫn từ 35 triệu đồng và màu vàng sa mạc bị chênh lên 3-5 triệu đồng.
Thanh Hiền (t/h)