Indonesia “gồng mình” chuẩn bị cho mất mùa và ứng phó với hạn hán do El Nino

Indonesia “gồng mình” chuẩn bị cho mất mùa và ứng phó với hạn hán do El Nino

Trong bối cảnh El Nino quay trở lại, các nhà khoa học tại Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đưa ra cảnh báo hàng triệu người dân quốc gia này có thể phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước sạch, mất mùa cũng như cháy rừng.

Theo hãng tin CNA trích dẫn dữ liệu của chính phủ Indonesia, khoảng 92% diện tích của quốc gia này ghi nhận mùa khô “khắc nghiệt hơn thông thường” vào năm 2019 khi hai hiện tượng thời tiết El Nino và lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD) diễn ra. Vào thời điểm đó, chúng khiến khoảng 48,5 triệu người trên khắp Indonesia bị giảm khả năng tiếp cận với nước sạch trong khi các tỉnh Banten, Tây Java, Trung Java và Yogyakarta của Java cùng với Tây Nusa Tenggara và Đông Nusa Tenggara đều buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong năm 2023, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa đưa ra bất kỳ dự đoán nào liên quan tới số người chịu ảnh hưởng bởi hạn hán. Tuy nhiên một số khu vực trên đất nước đã bắt đầu ghi nhận các tác động 2 hiện tượng thời tiết.

Dữ liệu từ Bộ các Vấn đề Xã hội Indonesia cho thấy nạn đói đã được ghi nhận tại 3 huyện ở khu vực Papua do mùa khô khiến sản lượng mùa màng thất thoát. Trong khi đó tại Trung Java, truyền thông địa phương đưa tin hơn 3.000 người ở 4 quận tại huyện Sragen đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sạch và phải dựa vào nguồn cung cấp do cơ quan giảm nhẹ thiên tai địa phương cung cấp. Một khi mùa khô tiếp tục, cơ quan thiên tai dự đoán rằng số người bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng hơn nữa.

Tại làng Ridogalih, Tây Java, các cánh đồng lúa khô héo cùng các giếng nước cạn kiệt từ đầu tháng 6 buộc người dân phải đi tới nơi khác để tìm kiếm nguồn nước. Thủ đô Jakarta cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khi con sông Ciliwung nổi tiếng hay bị lũ lụt của thành phố chứng kiến mực nước giảm dần trong vài tuần qua. Tại cổng Katulampa, mực nước thậm chí đã giảm xuống mức 0 cm trong tuần này, đồng nghĩa với việc nhiều nhiều nhánh của sông Ciliwung ở các khu vực thượng nguồn đồi núi đang không có nhiều nước.

tm-img-alt
Người dân ở làng Ridogalih phải ra sông để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: CNA

Đứng trước tình hình này, chính phủ Indonesia đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm chuẩn bị cho các kịch bản tồi tệ hơn có thể xảy ra. Ngày 21/7, CNAtrích dẫn Giám đốc BMKG Dwikorita Karnawati cảnh báo rằng: “Các chính quyền trong khu vực bị ảnh hưởng phải giảm thiểu và chuẩn bị sẵn sàng cho hạn hán ngay lập tức”. Ông cũng dự đoán mùa khô có thể đạt đỉnh từ tháng 8 đến tháng 9 và kéo dài đến đầu năm sau.

Ngày 24/7 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo tiếp tục ban hành chỉ thị cho các chính quyền khu vực và doanh nghiệp nhà nước dành quỹ để hỗ trợ những người có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Ông cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể chuẩn bị trước để khi El Nino ập đến, mọi người sẽ không bị choáng ngợp vì nắng nóng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe và khiến an ninh lương thực gặp phải gián đoạn”. Tổng thống cũng cho biết chính phủ sẵn sàng cung cấp viện trợ và trợ cấp lương thực để chuẩn bị cho khả năng mất mùa đẩy giá cả gia tăng.

Phó giám đốc Cơ quan Phòng chống Thiên tai Quốc gia (BNPB) Prasinta Dewi cho biết các chính quyền địa phương đã được khuyến khích đưa ra chiến lược giảm thiểu tác động của hạn hán dựa trên nguồn lực của mình có cũng như một danh sách những gì cần bổ sung nếu hạn hán xảy ra.

Theo bà, hiện một số tỉnh đã bắt đầu vạch ra các khu vực dễ bị hạn hán và chuẩn bị hàng chục xe bồn sẵn sàng phân phối nước từ các nguồn nước không bị ảnh hưởng đến các khu vực có nhu cầu. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Tây Java đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm phân bổ thêm tiền và nguồn lực.

Về một giải pháp lâu dài, CNA trích dẫn ông Firdaus Ali, chuyên gia kỹ thuật môi trường của Đại học Indonesia, cho biết quốc gia này nên có ít nhất 4.000 đập và hồ chứa nước để giữ nước trong mùa mưa và phân phối lại khi hạn hán so với con số 235 hiện tại. Tuy nhiên, các dự án này sẽ cần vốn đầu tư hàng tỷ USD và Indonesia vẫn còn cách con số lý tưởng “một khoảng xa”.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích