Indonesia di dời vĩnh viễn 10.000 người sau loạt vụ núi lửa Ruang phun trào
Indonesia di dời vĩnh viễn 10.000 người sau loạt vụ núi lửa Ruang phun trào
Indonesia sẽ di dời vĩnh viễn gần 10.000 cư dân sau khi loạt vụ phun trào của núi lửa Ruang làm dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm của việc cư trú trên đảo trong tương lai.
Ngày 3/5, Bộ trưởng Văn hóa và Phát triển Con người Indonesia Muhadjir Effendy cho biết Chính phủ Indonesia sẽ tái định cư gần 10.000 dân sau khi núi lửa Ruang trên đảo cùng tên ở tỉnh Bắc Sulawesi liên tiếp phun trào, đe dọa khả năng cư trú trên đảo này trong tương lai.
Sau cuộc họp nội các bàn về núi lửa Ruang, ông Effendy cho biết hàng trăm ngôi nhà ở “lâu dài nhưng đơn giản” sẽ được xây dựng tại khu vực Bolaang Mongondow để tạo điều kiện cho người dân đảo tái định cư. Khu vực tái định cư cách đảo Ruang khoảng 200 km.
Theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo, cơ quan chức năng sẽ xây dựng các nhà ở đáp ứng tiêu chuẩn phòng ngừa thiên tai.
Khoảng 9.800 người sinh sống trên đảo Ruang, song những tuần gần đây, tất cả cư dân buộc phải sơ tán sau khi núi lửa tiếp tục phun dung nham nóng và cột tro bụi vào không trung.
Núi lửa Ruang bắt đầu phun trào dữ dội từ tháng 4 vừa qua. Giới chuyên gia cho rằng các đợt phun trào xảy ra do hoạt động địa chấn gia tăng. Trong đợt phun trào thứ nhất ngày 16/4, đa số người dân sống trên đảo Ruang đã được sơ tán đến đảo Tagulandang lân cận.
Núi lửa lại phun trào vào ngày 30/4, gây thiệt hại cho một số hộ gia đình và buộc người dân tiếp tục sơ tán từ đảo Tagulandang đến thủ phủ Manado của tỉnh Bắc Sulawesi.
Nhà chức trách Indonesia nâng cảnh báo núi lửa lên mức cao nhất, đóng cửa sân bay Sam Ratulangi tại Manado và ban bố cảnh cáo nguy cơ xảy ra sóng thần. Núi lửa không hoạt động ngày 3/5, song sân bay Sam Ratulangi duy trì đóng cửa đến tối do tro bụi phát tán trong không trung.
Núi lửa Ruang nằm cách thủ phủ Manado của tỉnh Bắc Sulawesi khoảng 100 km và cao 725 m so với mực nước biển.
Indonesia nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương” – vòng cung tiếp giáp các mảng kiến tạo địa chất – nên thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Đây cũng là một trong những quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị