Indonesia chi 10,5 tỷ USD xây tường biển ngăn thủ đô Jakarta bị chìm dần

Indonesia chi 10,5 tỷ USD xây tường biển ngăn thủ đô Jakarta bị chìm dần

Indonesia đang khôi phục kế hoạch xây tường biển khổng lồ nhằm ngăn chặn thủ đô Jakarta chìm với tốc độ nhanh do nước biển dâng và sụt lún.

Bộ trưởng Điều phối Vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto hôm 10/1 khi phát biểu tại một sự kiện ở Jakarta đã công bố kế hoạch mới nhất về dự án này. Theo đó, bức tường biển sẽ được xây trong ba giai đoạn, kéo dài đến năm 2040, với hai giai đoạn đầu tiên cần kinh phí 164,1 nghìn tỷ rupiah (10,5 tỷ USD). Bộ trưởng Hartarto không đề cập đến kinh phí cho giai đoạn thứ ba.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa tin ý tưởng về bức tường biển đã được ấp ủ hơn một thập kỷ. Đề xuất xây tường biển gần đây được khôi phục khi Jakarta trở thành siêu đô thị có tốc độ chìm nhanh nhất.

Bộ trưởng Hartarto nói rằng thủ đô Indonesia chìm tới 25 cm mỗi năm trong khi triều cường tăng tới 200 cm mỗi năm. Là nơi sinh sống của hơn 10 triệu người, Jakarta đã ghi nhận một số khu vực bị ngập tới 4 mét trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2005. Các chuyên gia dự đoán rằng 1/3 thủ đô quốc gia vạn đảo có nguy cơ bị nhấn chìm vào năm 2050 nếu không được kiểm soát.

tm-img-alt
Bản vẽ mô phỏng dự án tường biển ở Jakarta hồi năm 2014 (Ảnh: Antara).

Lũ lụt ở vùng ven biển Jakarta ước tính gây thiệt hại 2,1 nghìn tỷ rupiah mỗi năm và có khả năng tăng lên 10 nghìn tỷ rupiah/năm trong thập niên tới. Để làm chậm quá trình chìm và giảm bớt áp lực cho Jakarta, Indonesia đã hạn chế khai thác nước ngầm cũng như thúc đẩy thành lập thủ đô mới Nusantara trị giá 34 tỷ USD trong rừng rậm Borneo.

Indonesia sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 14/2 và liệu người kế nhiệm Tổng thống Joko Widodo có theo đuổi dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ hay không vẫn còn là một ẩn số.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, người dẫn đầu các cuộc khảo sát cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, tại lễ công bố kế hoạch bức tường biển đã bày tỏ ý kiến: “Vấn đề mà bức tường biển này phải đối mặt là nó cần khoảng 40 năm để hoàn thành. Liệu các nhà lãnh đạo có đủ tập trung, tư duy và khả năng theo đuổi dự án đến cùng hay không. Đó là trách nhiệm của chúng tôi”.

Vĩnh Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích