Indonesia cấm thiết lập mới các bãi chôn lấp rác thải

Indonesia cấm thiết lập mới các bãi chôn lấp rác thải

Tài liệu “Không chất thải, không phát thải 2050” nêu rõ cách tiếp cận chiến lược của Indonesia để đạt được mục tiêu không rác thải vào năm 2040 và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đã công bố tài liệu ‘Không chất thải, không phát thải 2050’ với mục tiêu loại bỏ tác động của chất thải đối với lượng khí thải vào năm 2050.

Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya cho biết quản lý chất thải là một yếu tố quan trọng trong tiến trình đạt được phát thải carbon thấp và nâng cao năng lực chống chịu với khí hậu.

Đây là một trong 5 nguồn kiểm soát chính trong nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo các mục tiêu đã đề ra. Chất thải là vấn đề hằng ngày trong xã hội, nếu không được quản lý đúng cách, sẽ gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Bộ trưởng Nurbaya lưu ý tất cả các bên liên quan cập nhật và hợp tác theo những tiến bộ mới trong quản lý chất thải với mục tiêu cuối cùng là giảm phát thải khí nhà kính.

Tài liệu “Không chất thải, không phát thải 2050” nêu rõ cách tiếp cận chiến lược của Indonesia để đạt được mục tiêu không rác thải vào năm 2040 và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với các hành động giảm thiểu được nêu trong tài liệu này, Indonesia sẽ ghi nhận lượng phát thải khí nhà kính đỉnh điểm từ chất thải vào năm 2030, tương đương 217 triệu tấn khí CO2. Sau khi đạt đỉnh, lượng phát thải này dự kiến sẽ giảm dần, xuống mức 62 triệu tấn vào năm 2050 và 9 triệu tấn vào năm 2060.

Một trong những bước quan trọng được đề xuất trong tài liệu trên là đảm bảo không có thêm chất thải được đưa đến các bãi chôn lấp vì nó có thể tạo ra khí mê-tan, một loại khí nhà kính. Tài liệu này nêu rõ vào năm 2030, Indonesia sẽ thực hiện chính sách cấm thiết lập các bãi chôn lấp rác thải.

Để đạt được mục tiêu này, chính phủ khuyến khích quản lý chất thải bắt đầu từ thượng nguồn, chấm dứt các hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải đến các bãi chôn lấp. Trong khi đó, các bãi chôn lấp sẽ chỉ là nơi chứa phần chất thải còn lại cuối cùng đã qua xử lý.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích